Chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu quả - Bài 1: Bắt kịp xu thế

- Nhiệm kỳ 2020 - 2025, chuyển đổi số (CĐS) được tỉnh xác định có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Bằng những giải pháp quyết liệt, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công cuộc CĐS đã đạt được những thành tựu quan trọng. Báo Tuyên Quang có loạt 3 bài đánh giá tổng quan về công cuộc CĐS của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

>> Bài 2: Xây dựng chính quyền số

>> Bài cuối: Phát triển kinh tế số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo​

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tìm hiểu mô hình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng.

Xác định rõ các xu hướng chủ đạo trong CĐS, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng các chiến lược và giải pháp cụ thể. Các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công cuộc CĐS một cách đồng bộ; ưu tiên các giải pháp chuyển đổi nhận thức; tập trung phát triển hạ tầng số, và xây dựng các nền tảng, kho cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn tỉnh.

Chỉ đạo kịp thời, triển khai đồng bộ

Xác định CĐS là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, BCH  Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU về CĐS tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Tuyên Quang là một trong những tỉnh xếp loại khá, đến năm 2030 nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Bắc.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 90-NQ/TU ngày 29/5/2023 về tăng cường lãnh đạo thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh phát động phong trào thi đua “CĐS tỉnh Tuyên Quang”. Hằng năm UBND tỉnh đều có kế hoạch CĐS nhằm chủ động triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tại các Chương trình, Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông về định hướng CĐS.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về CĐS, 100% các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố, xã, phường trên địa bàn tỉnh đều xây dựng Kế hoạch về CĐS theo điều kiện thực tế của địa phương. Các xã, phường cũng đã xác định mục tiêu CĐS cụ thể các giai đoạn 2025 - 2030 như: đảm bảo trên 80% TTHC được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 100% cán bộ, công chức xã được gắn định danh số trong xử lý công việc; 60% đến 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng theo quy định. Thúc đẩy phát triển kinh tế số góp phần tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của các xã trên nền tảng công nghệ số. Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%...

Nâng cao nhận thức 

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 48-NQ/TU, công tác tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, lợi ích đem lại từ CĐS đã được cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia vào cuộc nhằm đưa ra những giải pháp nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân, đồng thuận tham gia chuyển đổi số một cách chủ động và tích cực.

Công tác truyền thông về CĐS được các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh qua nhiều hình thức, như: Tuyên truyền, chia sẻ các nội dung, sáng kiến, cách làm hay về CĐS trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Báo Tuyên Quang, Chuyên trang CĐS tỉnh Tuyên Quang; Trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị; Đài Phát thanh và Truyền hình; Hệ thống truyền thanh cơ sở; Trang ZaloOA “Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang”; Fanpage Thông tin Tuyên Quang;… nội dung gắn với chủ đề hàng năm về CĐS.

Nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân, tỉnh đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn. Đây được xem là lực lượng nòng cốt ở cơ sở đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Toàn tỉnh hiện có 1.871 tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó, có 138 tổ cấp xã, 1.733 tổ thôn, bản, tổ dân phố với tổng số 10.257 thành viên. Ở cấp xã, tổ trưởng Tổ công nghệ số là chủ tịch UBND xã hoặc bí thư Đoàn xã, còn ở cấp thôn do trưởng thôn làm Tổ trưởng, bí thư chi đoàn làm tổ phó. Lực lượng nòng cốt này dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.

Xây dựng hạ tầng số đồng bộ

Xác định trong CĐS, việc xây dựng và phát triển hạ tầng số là tất yếu, đóng vai trò rất quan trọng đảm bảo cho sự thành công của CĐS, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng số của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Hạ tầng mạng lưới viễn thông của tỉnh hiện đảm bảo gần 100% các thôn, bản, tổ nhân dân được phủ sóng điện thoại di động, 99,2% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh, 60,7% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh. Hạ tầng Internet băng rộng cáp quang được triển khai tới 98% thôn, bản, tổ nhân dân; mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã… tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Hiện nay, hạ tầng viễn thông trên toàn tỉnh đã sẵn sàng đáp ứng cho việc mở rộng triển khai mạng 5G trong thời gian tới.

Hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương. 100% các cơ quan nhà nước đã có mạng LAN, mạng Internet tốc độ cao. Các cơ quan được kết nối với nhau qua mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước;... Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Tuyên Quang đã được đầu tư đến cấp xã với 169 điểm cầu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Tuyên Quang (IOC) đã được đưa vào sử dụng phục vụ công tác điều hành, xử lý các tình huống khẩn cấp trên địa bàn toàn tỉnh nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang đã tích hợp và chuyển dữ liệu thành công cho 183 trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu theo quy định… Cổng Cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung tỉnh Tuyên Quang đã được đưa vào sử dụng, kết nối các dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của toàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, khai thác cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân trên địa bàn tỉnh. Cổng đã kết nối thông tin vùng sản xuất trồng trọt hữu cơ; diện tích, năng suất, sản lượng một số loại cây trồng; Bảng giá vật liệu xây dựng; Các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu; Danh sách địa điểm du lịch;…. Hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kết nối các CSDL ngành, lĩnh vực khác thuộc Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung và Danh mục dữ liệu mở của tỉnh phục vụ kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang (App Tuyên Quang ID) đã được đưa vào sử dụng trên phạm vi toàn tỉnh, thiết lập kênh tương tác đa chiều giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả; các phản ánh, kiến nghị của người dân được các cơ quan giải đáp kịp thời…

Các nền tảng, như: Hệ thống báo cáo tỉnh Tuyên Quang; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Tuyên Quang, Thư điện tử công vụ chung cho tỉnh Tuyên Quang; Phần mềm số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, CSDL số hóa kết quả giải quyết TTHC tỉnh Tuyên Quang; Kho dữ liệu số và hệ thống báo cáo chỉ đạo điều hành ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang;… đã được sử dụng hiệu quả tại các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục sử dụng, ứng dụng các nền tảng số khác trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn do các Bộ, ngành Trung ương triển khai.

Phát triển Hạ tầng số trong những năm qua đã thúc đẩy phát triển chính quyền số của tỉnh tạo động lực phát triển kinh tế số, xã hội số, từng bước tạo ra các công dân số; giúp cho quá trình CĐS của tỉnh diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

(còn nữa)           

Tin cùng chuyên mục