Mệnh lệnh từ trái tim
Những ngày đầu tháng 3-2024, Nhân dân thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) như rộn ràng hơn khi 2 cây nghiến thuộc địa bàn thôn được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Hai cây nghiến có tuổi đời hơn 1000 năm tuổi, chu vi trên 6 m, cao 36 m, 1 cây nằm tại khu rừng Khau Ngọm và 1 cây nằm tại khu rừng Nàng Phia Đén được Nhân dân bảo vệ, giữ gìn từ nhiều đời nay.
Bà Triệu Thi Vy, 80 tuổi, ở thôn Bản Bung chia sẻ, chẳng còn ai nhớ cây nghiến có từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ đời này qua đời khác, cây đã ở đó, gắn bó, che chở cho bao nhiêu thế hệ khôn lớn và trưởng thành. Người dân nơi đây sống bên rừng, chết cũng bên rừng nên có truyền thống tôn thờ những “cụ thụ mộc”. Những người lớn tuổi trong thôn thường dặn con, cháu mỗi lần đi ngang qua cây đều phải giữ im lặng, cúi đầu tôn kính như một cách để cảm tạ thần rừng. Vì thế mà việc bảo vệ, giữ gìn rừng được xuất phát từ trái tim mỗi người.
Cây nghiến tại thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào tháng 3-2024.
Thôn Bản Bung nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tát kẻ - Bản Bung có 49 hộ dân sinh sống. Việc công nhận 2 cây nghiến là Cây Di sản Việt Nam mang rất nhiều ý nghĩa. Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, cây di sản gắn liền với các yếu tố về lịch sử, văn hóa, dân tộc. Vì vậy mà việc bảo vệ cây di sản không chỉ là việc làm để tri ân thế hệ đi trước mà còn có giá trị thời đại. Bởi cây di sản nếu biết bảo tồn phát huy tốt thì sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt.
Cây nghiến di sản tại thôn Bản Bung cách đường chỉ hơn 100 m, nên từ khi được công nhận là Cây Di sản, thôn Bản Bung đã đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, chụp ảnh check-in. Người dân trong thôn ai cũng phấn khởi vì chưa bao giờ Bản Bung được nhiều người biết đến như vậy. Đồng chí Triệu Thế Hải, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung cho biết, được du khách biết đến nhiều là điều đáng mừng của thôn Bản Bung. Đây sẽ là cơ hội để người dân phát triển kinh tế du lịch. Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân cùng nhau chung tay để bảo vệ 2 cây di sản này cũng như các cây cổ thụ khác. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân học làm du lịch. Bắt đầu từ việc chỉnh trang, dọn dẹp nhà cửa, khuôn viên trong thôn, thành lập đội văn nghệ và luyện tập để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của du khách. Ai ai cũng hy vọng vào sự thay đổi của Bản Bung trong thời gian tới.
Giữ cây, giữ bình yên
Xã Phúc Yên là địa phương có tỷ lệ rừng che phủ lớn nhất của huyện Lâm Bình, trong đó diện tích rừng tự nhiên là hơn 14 nghìn ha, độ che phủ rừng đạt 86,1%. Trong diện tích rừng tự nhiên do UBND xã Phúc Yên quản lý có quần thể nghiến cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, phân bố rải rác trên diện tích khoảng 1,5 ha. Trong đó có 1 cây nghiến chu vi 720 cm, thân thẳng, chiều cao vút ngọn 35,0 m, rễ bám sâu vào vách đá, cây sinh trưởng và phát triển tốt và được công nhận là Cây Di sản vào đầu tháng 4-2024.
Cây nghiến tại thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên (Lâm Bình) được công nhận là Cây Di sản Việt Nam tháng 4-2024.
Ông Nguyễn Văn Tỳ, người dân thôn Nà Khậu cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại thôn, từ lúc còn nhỏ ông Tỳ đã thường xuyên đi qua khu vực này và nhìn thấy cây nghiến to như vậy. Theo lời những người già kể lại, cây nghiến này gắn với câu chuyện về một vị thần cai quản, trấn giữ để bảo vệ sự bình yên của người dân trong thôn. Cây nghiến là nơi buộc ngựa của vị thần nên từ trước đến nay người dân đi lại qua khu vực này thường cắt một nắm cỏ hoặc cành cây vứt ở đường cho ngựa ăn để cầu đi đường được “thượng lộ bình an”.
Cây nghiến ở thôn Nà Khậu mọc ở tảng đá bên đường, có nhiều bạnh rễ lớn ôm vào vách đá hình thành nên thân cây. Thân cây thẳng tắp, tán lệch, địa hình tương đối thuận lợi cho du khách tham quan. Bên cạnh cây nghiến là dòng suối trong xanh, nước chảy quanh năm, là nơi sinh sống của nhiều loài cá. Do đó, rất thuận lợi phát triển du lịch sinh thái và trải nghiệm, khám phá.
Đồng chí Nguyễn Văn Hợp, Bí thư Chi bộ thôn Nà Khậu cho biết, cây nghiến được công nhận là Cây Di sản nằm trong quần thể nghiến của xã, là biểu tượng cho nét văn hóa đại đoàn kết dân tộc và sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây. Chính vì thế, người dân trong thôn đều tự bảo nhau giữ rừng, giữ cây như một phần của cuộc sống. Ông cùng người dân cũng thường xuyên nhắc nhở du khách đến tham quan, trải nghiệm không được có những tác động gì ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Gỗ nghiến thuộc nhóm IIA, là loại gỗ tốt có tính cơ học cao, dai, bền, không mối mọt ngay cả khi chôn xuống đất. Loài gỗ này đều có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao và luôn được giới thượng lưu săn lùng, sở hữu. Chính vì vậy, đây cũng là loài gỗ mà lâm tặc luôn tìm cách khai thác trái phép. Bằng tình yêu với rừng, người dân thôn Nà Khậu luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, giữ gìn cây nghiến. Việc hàng trăm gốc nghiến quý giá vẫn còn giữ nguyên vẹn, ngay cả cây nghiến nghìn năm tuổi vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nằm ngay cạnh đường ô tô chạy qua vẫn hiên ngang đứng vững, là minh chứng rõ nhất cho tình yêu với rừng của người dân nơi đây.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường nhấn mạnh rằng, Tuyên Quang là một trong những tỉnh có tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất của cả nước, điều đó chứng tỏ rằng ở đây người dân đã biết giữ gìn vốn quý của địa phương mình. Tại đây còn nhiều quần thể nghiến hàng nghìn năm tuổi và các loại cây cổ thụ khác. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chắc chắn tỉnh Tuyên Quang sẽ còn nhiều cây đạt những tiêu chuẩn để được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Mặc thăng trầm của thời gian, những cây nghiến di sản hàng nghìn năm tuổi được người dân trân quý như trái tim của đại ngàn. Mong rằng trong tương lai không xa, những cây di sản này sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết