Chuyện nuôi gà giống

- Họ đều là những nông dân cùng chung sở thích, đam mê và ý chí vượt khó làm giàu. Đây là mô hình chăn nuôi gà giống của Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Chăn nuôi gia cầm” thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn). Mô hình đã và đang mang lại một nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình hội viên nông dân trên địa bàn huyện.

Vươn lên từ gà

Chuyện chăn gà, nuôi gà thịt không phải là mô hình mới, nhưng chuyện “gột” gà giống thì khá mới mẻ đối với bà con nông dân trong tỉnh. Tại một số xã của huyện Yên Sơn, mô hình đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. “Gột” gà, tức là nuôi gà giống mới nở 0 ngày tuổi đến 35, 40 ngày tuổi thì xuất bán. 

Các thành viên trong chi hội hỗ trợ nhau thực hiện kỹ thuật mài mỏ gà.

Trại gà của gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt, xóm 3, xã Lang Quán có 2 chuồng nuôi riêng biệt, tổng diện tích gần 400 m2. Chị Nguyệt chia sẻ: Trước kia, chị làm nghề kinh doanh, buôn bán. Khi biết đến mô hình “gột” gà giống, chị quyết định chuyển hướng và thử sức với nó. Vợ chồng chị đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng 1 chuồng rộng trên 100 m2, lứa đầu anh chị thử nghiệm nuôi 1.000 gà con, thấy hiệu quả, lứa sau chị tiếp tục nhân đàn lên 1.200 con, rồi 1.500 con, đến 2.000 con/lứa. Vừa qua, chị tiếp tục mở rộng trại gà, xây thêm chuồng, nhân đàn gà lên 5.000 con/lứa.

Theo chị Nguyệt, nghề “gột” gà giống công việc không cực nhọc, chỉ cần người chăn nuôi tỉ mỉ, cẩn thận. Trại gà 5.000 con của gia đình chị mỗi ngày chỉ mất một người chăm sóc. Trung bình mỗi lứa gà nuôi 40 - 45 ngày được xuất, sau khi trừ chi phí cám, giống, anh chị cũng “bỏ” túi ngót chục triệu đồng.  

Rời trang trại của gia đình chị Nguyệt, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Khổng Văn Trọng, thôn Trường Sơn, xã Chân Sơn. Trại gà của gia đình anh Trọng hôm nay đến lịch làm kỹ thuật mài mỏ, các thành viên của chi hội tập trung về đây để hỗ trợ nên đông vui hơn mọi ngày. Mọi người vừa làm việc, vừa trò chuyện rôm rả. Tay thoăn thoắt bắt những chú gà con béo tròn cho mọi người mài mỏ, anh Khổng Văn Trọng vừa chia sẻ với chúng tôi: “Trước chúng tôi cũng nuôi gà, nhưng chỉ nuôi vài con để phục vụ gia đình. Thấy anh em, bạn bè nuôi gà giống thu nhập cao, tôi cũng mạnh dạn đầu tư chuồng trại làm cùng. Tôi bắt đầu nuôi từ năm 2023, bình quân một năm tôi nuôi 8 lứa, mỗi lứa 2.500 con. Qua một thời gian nuôi, tôi thấy đây là một hướng phát triển kinh tế rất ổn, mang lại thu nhập khá cho người nông dân, nên quyết định mở rộng diện tích chuồng trại và nhân đàn gà giống”. Hiện, gia đình anh Trọng đang tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, xây dựng chuồng gà thứ 2, dự kiến tăng đàn gà lên 5.000 con/lứa vào năm 2025.

 Anh Lý Xuân Quyết và anh Trần Thế Long kiểm tra trọng lượng đàn gà giống của thành viên nhóm.

Không chỉ gia đình chị Nguyệt, anh Trọng, trên địa bàn các xã, thị trấn huyện Yên Sơn, hiện có rất nhiều hộ dân vươn lên có thu nhập ổn định từ nghề “gột” gà giống, với mức thu nhập bình quân từ 70 - 100 triệu đồng/người/năm. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn thu ổn định cho các hộ nông dân, mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Mô hình đã và đang góp phần giúp các hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Hỗ trợ cùng phát triển

Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Chăn nuôi gia cầm” thị trấn Yên Sơn hiện có 23 thành viên với tổng số 23 trại gà, trải rộng khắp các xã Chân Sơn, Lang Quán và thị trấn Yên Sơn. Các thành viên nuôi con gà giống từ 0 ngày tuổi đến 35 - 40 ngày tuổi là xuất bán. Bình quân mỗi trại duy trì từ 1.500 - 5.000 con/lứa, mỗi năm xuất 30 - 40 vạn con giống, tổng doanh thu đạt từ 12 - 15 tỷ đồng. Sản phẩm gà giống của chi hội chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh và tỉnh Hà Giang.

Để chi hội phát triển lớn mạnh như ngày nay phải kể đến người đứng mũi chịu sào đã dành nhiều tâm huyết cho con gà giống, đó là anh Lý Xuân Quyết, hiện đang giữ vai trò Chi hội trưởng của chi hội. Trước kia anh Quyết chăn nuôi lợn thịt. Năm 2017, nhận thấy thị trường cung cấp gà giống có nhiều triển vọng, chưa có ai làm, vốn đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh, anh Quyết đã tìm hiểu, học tập cách làm và quyết định chọn hướng phát triển mô hình. Qua một thời gian chăn nuôi, nguồn cung luôn không đủ cầu, anh Quyết đã tập hợp một số hộ dân trong và ngoài xã lân cận cùng nhau phát triển mô hình.

Anh Khổng Văn Trọng, thôn Trường Sơn, xã Chân Sơn chăm sóc đàn gà giống của gia đình.

Về phương pháp kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm do anh Lý Xuân Quyết, tổ trưởng và anh Trần Thế Long, tổ phó chịu trách nhiệm chính. Các hộ dân nhập chung một điểm cung cấp giống và sử dụng chung cám, thuốc thú y của Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang cung cấp.

Đồng tâm hiệp lực cùng phát triển, các hộ thành viên trong Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Chăn nuôi gia cầm” thị trấn Yên Sơn không chỉ tương trợ nhau về kỹ thuật mà còn ở khâu giống, vốn, kinh nghiệm, liên kết thị trường tiêu thụ. Qua kênh tổ chức Hội Nông dân, các thành viên được tập huấn kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh đảm bảo vệ sinh môi trường. Chi hội cũng xây dựng kế hoạch sản xuất chung để cung cấp cho thị trường đều đặn, không để tình trạng lúc sản phẩm khan hiếm, lúc lại ế đọng, dư thừa.

Anh Bàn Văn Trường, thôn 2 xã Lang Quán, thành viên trong Chi hội cho biết, đến nay, tôi có ngót 6 năm chăn nuôi con gà giống. Bình quân gia đình tôi nuôi 2.500 con gà giống/lứa. Mỗi năm nuôi 8 lứa, với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Từ hộ cận nghèo, nay gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, thực hiện chăn nuôi theo tổ nhóm, chúng tôi được hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật, kinh nghiệm. Người biết nhiều chỉ người biết ít, người không biết thì được anh em hỗ trợ làm. Những ngày phải làm quy trình kỹ thuật tiêm vắc xin, mài mỏ, các thành viên đổi công hỗ trợ nhau, công việc vừa nhanh, con gà không bị stress.

Theo anh Lý Xuân Quyết, thực hiện liên kết sản xuất như này, người nông dân không phải lo về kỹ thuật, nguồn cung cấp giống, cám, vận chuyển và đầu ra của sản phẩm. Đặc biệt, tập trung sản xuất theo quy mô lớn, con giống được tiêm vắc xin đúng quy trình, quy định, đảm bảo chất lượng.

Liên kết cùng phát triển, những người nông dân Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Chăn nuôi gia cầm” thị trấn Yên Sơn đã và đang mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho gia đình. Những kết quả của mô hình không chỉ nâng cao nhận thức, tạo việc làm ổn định, mà còn phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục