Nâng tầm cây dược liệu
Từng làm quản lý kinh doanh cho một số công ty, thu nhập ổn định nhưng chị Hiến vẫn về quê lập nghiệp để giữ nghề gia truyền của gia đình. Chị Hiến cho biết: Nhận thấy ở địa phương có nhiều cây dược liệu như: Đinh lăng, cà gai leo, giảo cổ lam, xạ đen, cỏ ngọt…, bán ra thị trường rất rẻ, tôi đã quyết định thành lập HTX để thực hiện ước mơ và mong muốn của mình và cùng với đó để bao tiêu nguồn dược liệu cho bà con. "Ban đầu mới thành lập cũng chật vật lắm, nhiều khi thấy nản, may mà có gia đình động viên và các thành viên của HTX cũng đồng hành nên đến nay HTX đã hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả thiết thực cho HTX và các thành viên" - Chị Hiến nói.
Diện tích cây khôi nhung của HTX Thảo dược Bình An đang đà phát triển.
6 giờ sáng, núi đồi Bình An còn mù sương, chúng tôi đã được đánh thức bởi không khí làm việc khẩn trương của người dân địa phương tới làm cỏ, cuốc đất, chăm sóc các loại dược liệu. Những công nhân người Mông, người Tày, người Dao cuốc đất trồng tía tô, nhân trần, các loại dược liệu bình dân hơn. Đặc thù của dược liệu là không sử dụng thuốc sâu và phân bón hóa học nên phải trồng thủ công và dùng phân hữu cơ. Từng mầm dược liệu bé xíu lẫn trong cỏ nên công nhân hàng tuần phải nhổ cỏ liên tục và gieo trồng những lớp mới sau khi đã thu hái.
Tháng 7 ở Bình An, thời tiết vẫn mát lạnh lúc sáng sớm và chập choạng tối. Những cây cỏ ngọt, ba kích, kim tiền thảo, gừng gió, địa liền, trinh nữ hoàng cung, khôi nhung... bình yên hít khí trời tự nhiên. Các cây thảo dược này không phải tưới tắm nhiều nhưng vẫn sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Chị Chẩu Thị Hiến cho biết, hiện nay HTX của chị hiện nay đã trồng được trên 2 ha các loại cây dược liệu phổ thông với phương thức trồng dưới tán các cây rừng. Ngoài ra HTX còn triển khai trồng một số cây dược liệu quý như: đu đủ đực, khúng khéng, hoa hòe... đây là những cây trồng bản địa nên phát triển rất tốt, ngoài ra HTX còn trồng thử nghiệm một số cây như trà hoa vàng, cát sâm, khôi nhung, sâm đại hành...
Chị Chẩu Thị Hiến, Giám đốc HTX Thảo dược Bình An nghiên cứu các bài thuốc chế biến từ dược liệu.
Khát vọng tiên phong
Từng đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, sau khi về nước, chị Hiến đã xin về làm việc tại Công ty Cổ phần Traenco Quốc tế (Hà Nội). Năm 2020, chị đã là trưởng văn phòng đại diện tại huyện Lâm Bình. Chị Hiến tâm sự, chị quyết định đi xuất khẩu lao động với mong muốn sau khi về có một khoản tiền để đầu tư phát triển dược liệu, chế biến ra các thang thuốc gia truyền mà cha ông đã truyền lại. Và đến nay chị đã thực hiện được ước mơ đó.
Nói là làm, chị Hiến cùng các thành viên của HTX đã nghiên cứu các sản phẩm làm sao tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, cũng như tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Hiện HTX đang quản lý vùng nguyên liệu lên tới trên 2 ha và bao tiêu toàn bộ sản phẩm dược liệu cho xã viên và người dân trên địa bàn, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại HTX và hàng chục xã viên, người dân có việc làm, có thu nhập ổn định.
Chị Chẩu Thị Cánh, nhân viên của HTX Thảo dược Bình An cho biết: "Chị làm ở đây được một thời gian rồi, thu nhập bình quân cũng được trên 10 triệu/tháng, ngoài ra gia đình còn có mấy sào dược liệu, HTX đều bao tiêu hết nên thu nhập cũng ổn định. Đến nay, con cái đi học và mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đã được đảm bảo. Chị mong HTX phát triển hơn nữa, vừa bao tiêu sản phẩm và mở rộng thêm vùng nguyên liệu để có nhiều người dân tham gia".
"Chậm mà chắc" là phương châm mà HTX Thảo dược Bình An triển khai trong thời gian qua. Với sứ mệnh tiên phong, hướng đến các sản phẩm sạch, các thang thuốc được sản xuất ra của HTX luôn chú trọng phát triển bền vững. “Với tôi làm kinh doanh nhưng không chạy theo lợi nhuận đơn thuần mà luôn đặt trong lợi ích của người dân, tiên phong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tôi luôn mong mỗi một sản phẩm của HTX đến với người tiêu dùng là “hạnh phúc đích thực” - Giám đốc HTX Chẩu Thị Hiến chia sẻ.
Sau nhiều cố gắng, đến nay HTX Thảo dược Bình An đã cho ra mắt nhiều sản phẩm gồm: Trà giải độc mát gan, tâm an trà, thanh xuân trà, dung dịch nhỏ mũi điều trị viêm xoang... Nhiều sản phẩm đến nay đã được đưa vào bày bán, giới thiệu tại các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm đưa ra thị trường đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Chị Chẩu Thị Hiến cùng thành viên HTX đóng gói sản phẩm.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm
Từ những kiến thức đã học, chị trở thành một trong những người đi đầu, mở đường phát triển kinh tế từ công nghệ số ở Bình An. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại để duy trì, mở rộng thị trường trong thời đại 4.0, chị Hiến đã tích hợp các thông tin thuận tiện cho người tiêu dùng. Chỉ với vài thao tác trên điện thoại thông minh, mọi người có thể biết rõ được các thông tin sản phẩm như: thời gian sản xuất, địa chỉ, thành phần, tiêu chuẩn chất lượng và giá cả...
Chị cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, phát triển bán hàng online dựa trên các nền tảng mạng, như: zalo, facebook, tiktok. Nhờ công nghệ số, sản phẩm của HTX kết nối khắp các vùng miền, góp phần tăng lượng sản phẩm tiêu thụ.
“Các HTX, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thì đã giải quyết phần lớn nhu cầu lao động xã nhà, đặc biệt trong đó có HTX Thảo dược Bình An. Mặc dù HTX mới đi vào hoạt động nhưng đến nay cũng đã giải quyết việc làm cho con em địa phương không phải đi ra ngoài mà lao động ngay tại địa phương trên chính mảnh đất quê hương mình, nâng cao giá trị và thu nhập cho mình” - Chủ tịch UBND xã Bình An Ma Công Thành nhấn mạnh.
Chia tay Bình An với những núi đồi trập trùng, những cánh đồng đang say sưa cho một mùa vụ mới, chúng tôi dâng lên trong lòng một niềm vui rộn rã về một hướng đi mới cho HTX Thảo dược Bình An. Những cây dược liệu quý đang được bà con trồng, chăm sóc, giữ gìn. Tuy hãy còn nhiều gian khó nhưng hy vọng dưới sự phát triển của HTX, hướng đi này luôn có tính sứ mệnh, bền vững, phụng sự cho nền kinh tế xanh và sức khỏe con người.
Gửi phản hồi
In bài viết