Những điều bất ngờ
Hội họa không phải sự lựa chọn lập nghiệp của Mạnh Đức, ông được đánh giá là người năng động, tài hoa, đa tài, đa nghề. Công việc đầu tiên ông theo đuổi là thể thao, từng là cầu thủ bóng đá rồi huấn luyện viên, sau được điều về làm cán bộ Ty Lâm nghiệp Hà Tuyên. Những năm tháng đó là thời kỳ bao cấp, đời sống khó khăn, ai cũng có nghề phụ để tăng thêm thu nhập. Mạnh Đức làm thêm đủ các nghề từ vắt sổ, vẽ tranh truyền thần, dạy vẽ, mở cửa hiệu
bán kem...
Ông làm việc gì cũng chỉn chu, đến nơi đến chốn, nhiều tài lẻ khiến ông trở nên đặc biệt. Ví như ông có thể gắp bóng bằng hai chân tung lên đầu giữ bao lâu cũng được hay ông có thể khéo léo làm rất nhiều loại bánh kem ngon, đẹp mắt. Kem Mạnh Đức thành thương hiệu, mùa hạ khách thập phương đến đất Tuyên mà chưa được ăn kem Mạnh Đức coi như là chưa đến Tuyên Quang. Nhờ vậy mà hàng kem làm ra đến đâu hết vèo đến đó.
Và ông cũng là người vẽ tranh truyền thần có tâm nhất. Thời ấy, tiệm nhiếp ảnh chưa có, nhiều chân dung liệt sỹ được ông tái hiện bằng cả tấm lòng kính trọng anh bộ đội Cụ Hồ, anh giải phóng quân.
Tác phẩm tranh lụa“Lớp học vùng cao” của cố họa sỹ Mạnh Đức.
Và có 1 nghề mà khiến nhiều người vô cùng kính trọng, nể phục, đó là nghề dạy vẽ. Vào những năm 2000, lớp học khá đông với hàng trăm học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, tìm về “tầm sư học đạo”. Với ông, việc dạy học một phần để có thêm thu nhập sinh sống, để nuôi việc vẽ tranh nhưng cái lớn ông cũng muốn tạo dựng một đội ngũ trẻ theo nghiệp của mình. Và phong cách dạy học của cố họa sỹ khá giản đơn, dễ hiểu nên rất hút học sinh. Ông quan niệm, dạy học như dạy người ta đi xe đạp, hướng cho người ta chứ giữ mãi sao được, nhảy lên đạp hộ sao được. Nhờ sự cần mẫn, nhẫn nại hiểu rõ từng tính cách học trò để đưa ra phương pháp riêng, “lò Mạnh Đức” tạo tiếng vang, có năm ông dạy 20 trò thì có 19 trò đậu đại học. Một lần họa sỹ Huy Oánh, Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ Thuật Việt Nam lên thăm gia đình và phải thốt lên rằng: “Ông vẽ nông thôn miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số tài hoa lắm! Dạy học cũng có nghề không kém”.
Nét đặc biệt trong tranh lụa
Cố họa sỹ Mạnh Đức dấn thân vào nghiệp vẽ khi bước sang độ tuổi chín muồi và nhanh chóng định hình được phong cách nghệ thuật cho riêng mình. Những bức tranh đẹp của ông thường gắn với chủ đề cao nguyên vùng cao (Đồng Văn, Mèo Vạc) chất liệu thể hiện đề tài này thường ông dùng lụa. Ai đó được ngắm “Cao nguyên trời và đất”, “Mẹ và con”, “Đợi”... là thấy chất lụa như được ông hòa dệt từ mây mưa, sương gió vùng cao thắm lại hiện ra cảnh vật, con người vừa thật, vừa hư cứ như cổ tích thần thoại nhưng đậm đà bản sắc một vùng quê. “Cây sa mu yên tĩnh” là một bức tranh đẹp, vừa lạ vừa gần. Nó phong trần giữa cao nguyên sương gió, khắc nghiệt mà vẫn toát ra vẻ yên tĩnh, xanh tươi. Có lẽ đây là cốt hồn, phong cách của Phạm Mạnh Đức.
Tác phẩm tranh lụa “Đợi” của cố họa sỹ Mạnh Đức.
Tác phẩm của ông liên tục tham gia các triển lãm, gây được nhiều sự chú ý trong giới chuyên môn và các nhà sưu tập, đa số đã được bán hết ngay tại các triển lãm. Nhà văn Trịnh Thanh Phong, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật nhớ lại, thời điểm đó trong ba năm (1995, 1996, 1997) họa sỹ Mạnh Đức mở hai triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Hai triển lãm này đều đạt kết quả cao, khi cắt băng khánh thành đã được đông đảo bạn bè, những người hâm mộ hội họa, đặc biệt được các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự. Đây không những chỉ là nguồn cổ vũ động viên mà còn là vinh hạnh, là phần thưởng lớn cho cả đời vẽ của ông. Bên cạnh việc lo toan cho triển lãm cá nhân, hàng năm ông còn hăng hái tham gia các triển lãm khu vực, triển lãm toàn quốc.
Công chúng yêu hội họa nhận thấy, tranh của họa sỹ Mạnh Đức có nét vẽ mềm mại, dịu dàng qua những bức tranh lụa, giấy dó. Tranh mang đặc trưng vẽ rất kiệm màu, đề tài giản dị, gần gũi, chủ yếu phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày, phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số. Tác phẩm tiêu biểu: “Những cô gái Lô Lô trên cao nguyên”, “Vẽ hoa văn thổ cẩm”, “Thiếu nữ Pà Thẻn”, “Ban đêm ở vùng cao”…
Họa sỹ Mai Mạnh Hùng chia sẻ, đương thời họa sỹ Mạnh Đức được xem là người nổi tiếng không chỉ ở Tuyên Quang mà nổi tiếng ở chính Hà Nội - trung tâm nghệ thuật của cả nước. Bởi vậy, khi ông mất đã xuất hiện một số tranh vẽ nhái theo phong cách của ông. Nhiều ồn ào về trường hợp “vẽ theo kiểu Mạnh Đức” và những tác phẩm na ná được bày bán ở các phòng tranh Hà Nội.
Qua đời ở tuổi 60, với độ chín về nghệ thuật, cố họa sỹ Mạnh Đức đã để lại nhiều tiếc nuối trong lòng công chúng yêu hội họa. Tác phẩm của ông đoạt nhiều giải thưởng ở những cuộc triển lãm khu vực và Trung ương, nhưng chắc chắn vẫn còn một giải thưởng còn lớn hơn đọng lại. Đó là tấm lòng yêu mến cùng sự công nhận về tài năng và tấm lòng nhiệt huyết của thế hệ sau đối với ông.
Gửi phản hồi
In bài viết