Quang cảnh buổi làm việc.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo và đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chủ trì. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện lãnh đạo các vụ, viện, đơn vị chức năng của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công thương.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, trong những năm qua, chủ trương, đường lối về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Đảng quan tâm xây dựng, hoàn thiện và chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng bộ, xuyên suốt. Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã có bước tiến toàn diện, sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay nước ta đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao. Việt Nam trở thành đối tác hợp tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng lên, phát triển công nghiệp từng bước đi vào chiều sâu...
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn còn chậm, năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Nhận thức về phát triển nhanh (rút ngắn) quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chưa thực sự đầy đủ. Nền kinh tế còn chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn; chưa phát triển công nghiệp nguyên liệu; cơ chế chính sách ban hành nhiều nhưng còn thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh...
Từ thực tiễn trên, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Công thương và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới.
Triển khai xây dựng Đề án quan trọng này, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã đặt các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trên 60 báo cáo và chuyên đề, 63/63 địa phương đã có báo cáo theo đề cương, 4 tổ chức quốc tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa (WB, UNIDO, AFD, GIZ) cũng đã tham gia tích cực và có các nghiên cứu phục vụ xây dựng Đề án. Đến nay, theo phân công của Thường trực Tổ Biên tập, Bộ Công thương cũng đã hoàn thành một báo cáo và ba chuyên đề.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ Công thương là cơ quan đầu tiên Ban Chỉ đạo làm việc trực tiếp sau khi có dự thảo thứ nhất của Đề án. Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến một số vấn đề như: Đánh giá bối cảnh chung trong nước và quốc tế đang tác động đến Việt Nam nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng; làm rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian tới; các thành tố chính trong mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 là gì? Tầm nhìn đến năm 2045 ra sao? Các mục tiêu/chỉ tiêu cụ thể cần nêu trong Nghị quyết tới sẽ thế nào?…
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập cũng như đại diện các vụ, đơn vị của Bộ Công Thương đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung quan trọng, cụ thể như quan điểm về: các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp có tính chiến lược để nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế; các ngành công nghiệp nền tảng, ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mới có tính chiến lược trong thời gian tới. Các chủ trương, định hướng lớn về chính sách của Đảng đối với phát triển các ngành này. Những vấn đề cần quyết sách của Trung ương để tạo sự phát triển đột phá lĩnh vực công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới; việc phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp, phát triển các khu, cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành theo lợi thế vùng và các địa phương; tư duy mới trong việc hình thành và phát triển các cụm, khu công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp...
Nhiều đại biểu cũng phân tích tầm quan trọng của vai trò, vị trí các chủ thể tham gia tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển công nghiệp trong thời gian tới như: những giải pháp đa chiều về thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam; các nhiệm vụ, giải pháp lớn cần triển khai để khai thác tốt quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Luật phát triển công nghiệp...
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, tổng quát những nội dung được thống nhất như: quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp bối cảnh mới. Theo đó, chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm. Nội dung cốt lõi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là tập trung phát triển công nghiệp nền tảng. Nội dung cốt lõi của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới là thúc đẩy tự động hóa, số hóa và thông minh hóa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số và các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện chuyển đổi số, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển kinh tế nhanh, bền vững và bao trùm; nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, đặc biệt là tự chủ về công nghệ và sản xuất; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Vì vậy, cần thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới trên cơ sở xác lập lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra các đột phá phát triển và các cực tăng trưởng kinh tế.
Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp nhưng phát triển công nghiệp trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò là động lực, then chốt, nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong giai đoạn tới, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, cần phải có thể chế cho phát triển công nghiệp tốt hơn. Theo đó, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu. Trong đó có một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
Rà soát, thực hiện quy hoạch tổng thể công nghiệp và quy hoạch một số ngành, lĩnh vực công nghiệp quan trọng; Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về phát triển công nghiệp; Xây dựng và thiết lập thể chế quản lý vùng để triển khai thực hiện có hiệu quả phân bố không gian phát triển công nghiệp; Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy tự động hóa, thông minh hóa và xanh hóa ngành công nghiệp; Rà soát, hoàn thiện danh mục các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên theo hướng thu hẹp các ngành và cụ thể hóa tới các phân ngành, sản phẩm ưu tiên để có nguồn lực thực hiện; Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung vào thượng nguồn của các ngành công nghiệp ưu tiên, đặc biệt là các ngành điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may-da giầy, hóa chất, công nghệ số; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật các ngành công nghiệp theo hướng nâng cao, dần tiệm cận các nước phát triển, tạo nền tảng kết nối trong sản xuất thông minh; Nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất công nghiệp; Ban hành các chính sách đột phá để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản; Xây dựng và triển khai các chương trình thúc đẩy nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam...
Để lãnh đạo, chỉ đạo thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 đã được Đại hội XIII thông qua, các ý kiến thống nhất đề nghị sớm ban hành một Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Gửi phản hồi
In bài viết