Nhiều cách làm sáng tạo
Những năm gần đây, hệ thống đường giao thông do tỉnh quản lý không ngừng được mở rộng, tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong việc đi lại cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Ông Lưu Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, nâng cao công tác duy tu, bảo trì đường bộ, Sở đã thường xuyên cập nhật, thống kê hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý và xây dựng kế hoạch bảo trì. Sở thực hiện nhiều giải pháp tích cực để bảo trì, bảo dưỡng và hạn chế đến mức thấp nhất những hư hỏng hạ tầng giao thông.
Nhiều tuyến đường đã xóa bỏ được ổ gà, điểm mất an toàn giao thông, lún võng trên đường, xử lý kịp thời các hư hỏng, xuống cấp... Mặt khác, Sở chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông với lực lượng công an giao thông tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nhằm giảm thiểu tình trạng xe chở quá khổ, quá tải trọng trên địa bàn tỉnh. Hệ thống đường giao thông trong tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Khắc phục sạt lở do mưa lũ tại Quốc lộ 2C đoạn qua xã Đạo Viện (Yên Sơn).
Công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường, chất lượng quản lý bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản của phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2022, Sở đã tập trung bảo trì hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh, trong đó bảo trì sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường QL.280, 3B, 2D và đường tỉnh ĐT185, ĐT186, ĐT188; quản lý hành lang an toàn đường bộ; hướng dẫn kỹ thuật đơn vị thực hiện công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng hệ thống đường bộ hiện có; kịp thời xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo hệ thống giao thông thông suốt, an toàn; kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ địa phương đạt 100% kế hoạch.
Cơ chế, chính sách, phương thức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đã được cải tiến, thay đổi theo định hướng hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý, tăng cường kiểm tra và giám sát các nhà thầu bảo trì công trình; phân cấp và tăng cường quản lý tại các đơn vị cơ sở. Sở đã chủ động cùng với các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ tại Quốc lộ 37, 2C qua huyện Sơn Dương; triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Na Hang.
Sở tổng kết công tác đấu thầu thí điểm công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị 3 năm giai đoạn 2019 - 2021, đồng thời đề xuất với UBND tỉnh cho chủ trương về cách thức và phương thức thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Thiếu kinh phí
Hệ thống đường giao thông trong tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý, sửa chữa, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn chế. Trong khi nhiều tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng cơ bản hoặc sửa chữa lớn thì hiện đã hư hỏng, đặc biệt đối với các tuyến đường bộ có lưu lượng xe ngày một lớn.
Ông Lưu Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh cho biết, theo định mức Bộ Giao thông Vận tải quy định, mỗi năm kinh phí cho công tác quản lý, sửa chữa, bảo trì đường bộ thường xuyên chỉ đáp ứng được từ 60 - 70% kinh phí bảo trì đối với đường quốc lộ; 30% kinh phí bảo trì đối với đường tỉnh, huyện. Bắt đầu từ năm 2023, các tuyến đường tỉnh, huyện đã phân cấp về cho UBND các huyện quản lý với kỳ vọng sẽ có thêm ngân sách huyện bổ sung cho công tác duy tu, bảo trì các tuyến.Mặt khác huyện quản lý sẽ kịp thời hơn trong việc phát hiện, xử lý các điểm sạt lở, hỏng cục bộ...
Cải tạo nâng cấp đường tỉnh 188 từ huyện Chiêm Hóa đi Lâm Bình.
Công ty cổ phần Đường bộ 232 là đơn vị thầu duy tu, bảo trì các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo mặt đường êm thuận và đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường. Ông Nguyễn Ngọc Phẩm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ 232 cho biết, do nguồn kinh phí thấp hơn so với định mức nên đơn vị phải rà soát thật kỹ những đầu điểm phải duy tu, bảo trì trên mỗi đoạn tuyến. Đối với những việc cần thiết đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến phải ưu tiên làm trước, không để sụt lún, ổ gà, đọng nước... đảm bảo những quy định cần thiết nhất về công tác duy tu, bảo trì.
Do đặc thù là tỉnh miền núi, đường còn hẹp, lưu lượng xe ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến kết cấu nền mặt đường, nên trên một số các tuyến đường phát sinh hố lún, ổ gà... Cùng với đó, thực tế cho thấy, hiện nay, tình trạng vi phạm hành lang giao thông trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường, tình trạng họp chợ, buôn bán trên mặt đường vẫn chưa xử lý được dứt điểm; công tác quản lý đất đai tại một số địa phương cũng chưa tốt... đã dẫn đến vi phạm, lấn chiếm hành lang giao thông đường bộ.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lưu Việt Anh, để nâng cao chất lượng công tác duy tu, bảo trì đường bộ thì ngoài các biện pháp triển khai của cơ quan quản lý cần có sự đồng thuận, giúp sức từ phía doanh nghiệp, người dân trong việc phản ánh kịp thời những phát sinh tại các tuyến đường, chung sức cùng đơn vị thi công, cơ quan quản lý khắc phục khi xảy ra sự cố và tham gia bảo vệ hành lang an toàn giao thông thì việc bảo trì các tuyến đường mới thực sự hiệu quả.
Công tác bảo trì, duy tu phải được đầu tư đúng mức và chú trọng quan tâm hơn nữa. Bên cạnh bố trí thêm kinh phí bảo trì theo quy định, Sở Giao thông Vận tải, các huyện cần nắm bắt rõ thực trạng hạ tầng giao thông, kịp thời khắc phục, sửa chữa... góp phần khai thác tối đa lợi ích kinh tế - xã hội của công trình mang lại.
Gửi phản hồi
In bài viết