Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Cuba. (Ảnh Intermundial)
Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba nhấn mạnh, tình hình kinh tế-xã hội trong nước vẫn diễn biến phức tạp, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Cuba đang phải chịu nhiều lệnh bao vây cấm vận, cáo buộc Cuba là một trong số những quốc gia bảo trợ khủng bố. Không những vậy, tình hình nhân khẩu học khác biệt của Cuba, với tốc độ già hóa ngày càng nhanh và dân số ngày càng ít, cũng góp phần khiến bối cảnh kinh tế-xã hội giai đoạn hiện nay trở nên phức tạp.
Theo Chủ tịch nước Díaz-Canel, để có thể phát triển kinh tế, Cuba cần thúc đẩy kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm các chính sách chống lạm phát, giảm thâm hụt ngân sách, khắc phục khoảng cách giữa tiền lương và sức mua, tăng nguồn ngoại tệ sẵn có cũng như giải quyết nhiều vấn đề khác.
Đảo quốc Caribe đang thúc đẩy sản xuất lương thực trong nước, từng bước tiến tới tự chủ an ninh lương thực. Hiện nay, nguồn phân phối lương thực chính của người dân Cuba là giỏ hàng hóa cơ bản được cung cấp theo quy định của Nhà nước. Trong số này có nhiều sản phẩm nhập khẩu mà Cuba hoàn toàn có thể tự sản xuất nếu điều kiện cho phép.
Cũng theo người đứng đầu Nhà nước Cuba, việc khôi phục vai trò của các công ty nông nghiệp quốc doanh không chỉ giúp tăng nguồn cung hàng hóa mà còn đóng vai trò quan trọng đến việc điều tiết giá và giảm thiểu các khâu trung gian. Bên cạnh đó, Cuba chú trọng đầu tư sản xuất lương thực bằng nguồn vốn trong và ngoài nước, song song việc thực thi các hành động nhằm bảo đảm dinh dưỡng và chủ quyền thực phẩm quốc gia.
Trong số những mục tiêu phát triển kinh tế chính, mục tiêu khôi phục ngành du lịch trở lại mức trước đại dịch và xa hơn nữa là nhiệm vụ hàng đầu của Cuba. Đảo quốc Caribe từng bước phát triển du lịch địa phương theo hướng bền vững, mở rộng thị trường và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.
Thực tế cho thấy những chính sách của chính phủ đã mang đến những tín hiệu tích cực, minh chứng là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói tại Cuba khi thu hút lượng lớn khách du lịch nước ngoài những tháng đầu năm 2023.
Theo Bộ Du lịch (MINTUR) và Cục Thông tin, thống kê quốc gia Cuba (ONEI), trong bốn tháng đầu năm 2023, Cuba đón hơn 1,2 triệu lượt khách nước ngoài, chủ yếu tới từ Canada, Mỹ và Nga, tăng 190% so với cùng kỳ năm 2022. Phong cảnh, con người, văn hóa và ẩm thực là những yếu tố nổi bật thu hút khách du lịch đến với đảo quốc Caribe xinh đẹp này.
Tuy nhiên, đáng tiếc khi lượng khách du lịch châu Âu đến Cuba hiện vẫn khá hạn chế. Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng MINTUR Juan Garcia (H.Ga-rơ-xi-a) cho biết, phần lớn là do giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao và các biện pháp cấm vận đang áp đặt lên Cuba. Đảo quốc Caribe kỳ vọng sẽ đón 3,5 triệu lượt du khách nước ngoài năm 2023, trong bối cảnh ngành du lịch đang dần hồi phục về mức trước đại dịch Covid-19, thời điểm Cuba đón khoảng bốn triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
Nhiều năm qua, ngành du lịch luôn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế Cuba, góp phần cải thiện điều kiện sống của nhiều người dân bản địa thông qua nguồn thu từ các hoạt động cung cấp dịch vụ lưu trú, nhà hàng, di chuyển và chăm sóc khách hàng.
Theo MINTUR, thời gian gần đây, các công ty nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Cuba, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Số liệu chính thức cho thấy hiện có 87 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch tại Cuba, cùng với đó là 18 chuỗi khách sạn nước ngoài đang hoạt động ở hòn đảo tự do.
Song song việc phát triển kinh tế trong nước, Cuba cũng tích cực phối hợp các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao vị thế đất nước và mở ra những cơ hội hợp tác giàu tiềm năng.
Tại cuộc họp Hội đồng chung Cuba-Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 3 diễn ra cuối tháng 5 vừa qua ở thủ đô La Habana, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez (B.Rô-đơ-ri-ghết) và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell (G.Bô-reo) đã đánh giá tình hình thực hiện Thỏa thuận Đối thoại Chính trị và Hợp tác (PDCA) ký kết năm 2016, từ đó củng cố và tăng cường quan hệ giữa các bên trong lĩnh vực đối thoại chính trị, hợp tác và thương mại.
Cuba và EU duy trì các dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và hiện đại hóa nền kinh tế, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Cuba.
Gửi phản hồi
In bài viết