Cả xóm nháo nhào. Cuống quýt. Tiếng bước chân rầm rập, tiếng người gọi nhau hỗ trợ, xô chậu va vào nhau loảng xoảng… May mắn, đám cháy bốc lên từ gian bếp cách biệt của người hàng xóm, không ảnh hưởng gì lớn đến đồ đạc, cũng không ảnh hưởng đến những nhà xung quanh. Nguyên nhân ban đầu được xác định là chập điện từ chiếc nồi cơm điện anh vẫn đang cắm bữa cơm chiều cho đàn chó trong nhà.
Chuyện cháy nổ đã rất lâu chưa xảy ra ở xóm nhỏ. Chẳng thế mà các nhà gần như không nhà nào có bình chữa cháy. Và quan trọng hơn, sau khi đám cháy được dập tắt, mọi người thở phào rồi mới trách nhau: Sao không ai cầm máy gọi điện cho cứu hoả?
Gọi điện cho cứu hoả là việc đầu tiên phải làm khi xảy ra cháy. Nhưng người dân dường như vẫn chưa có thói quen này. Quan niệm “Nước xa không cứu được lửa gần”, đâu đó, vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người. Đám cháy nhỏ, phạm vi ảnh hưởng nhỏ, thì việc huy động lực lượng tại chỗ là hiệu quả, nhưng nếu phạm vi lớn, lại bắt vào vật dễ cháy… thì sự chậm trễ của những người dân xóm tôi không biết sẽ để lại hậu quả như nào.
Những ngày cận Tết nguyên đán, những vụ cháy lớn nhỏ liên tiếp xảy ra. Chỉ riêng huyện Hàm Yên, chỉ 2 ngày 28, 29-12-2024, đã xảy ra 2 vụ cháy thiêu rụi toàn bộ tài sản của 2 hộ dân. Các vụ việc, nguyên nhân ban đầu đều xác định là do chập điện.
Theo thống kê của Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, có trên 70% vụ cháy được điều tra và làm rõ nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện.
Chuyện cháy nổ là điều không ai mong muốn. Có lẽ thế mà không ai nghĩ nó có thể xảy ra ở nhà mình. Việc ngắt cầu dao điện khi ra ngoài, rút các phích điện không sử dụng như sạc điện thoại, dây cắm tivi… sau khi sử dụng xong, nếu để ý, bạn sẽ thấy rất ít người thực hiện. Ngay như nhà tôi, chiếc ấm đun nước gần như cắm 24/7. Bình nóng lạnh cũng lúc nhớ lúc quên gạt công tắc.
Theo đại diện ngành điện, có rất nhiều nguyên nhân có thể gây chập cháy điện như: Quá tải hệ thống điện khi sử dụng dây dẫn có tiết diện không phù hợp; không lắp đặt thiết bị bảo vệ; mối nối, điểm tiếp xúc kém dẫn đến sự cố chạm chập gây cháy nổ… Trên thực tế, không phải lúc nào người dân cũng nhớ tắt nguồn thiết bị điện để đảm bảo an toàn điện, cũng như an toàn phòng chống cháy nổ.
Một khuyến cáo mà ngành điện luôn luôn nhắc nhở người sử dụng điện. Đó là phải thường xuyên kiểm tra đường dây, các thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện như: Cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm và các thiết bị sử dụng điện trong nhà. Đặc biệt, phải ngắt hẳn nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng để đề phòng cháy nổ, chập điện.
Cuối năm, “bà hoả” giống như vị khách không mời cũng đến. Và để tránh những hậu quả đáng tiếc, nhất là những thiệt hại về người, mỗi người dân cần có kiến thức cho các tình huống thoát nạn khi sự cố xảy ra; trang bị thêm các bình cứu hỏa và luyện tập kỹ năng thoát nạn khi có hỏa hoạn. Các khu tập thể, chung cư mini… cần tăng cường trang bị hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết