Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và những dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhận định, phán đoán và những dự báo kỳ diệu, trong đó có dự báo của Người về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bác Hồ và các chiến sỹ vệ quốc quân tại Sơn Dương (Tuyên Quang) trong những ngày toàn quốc kháng chiến. (Ảnh: Tư liệu)

1. Người dự báo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sẽ nổ ra 

Sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Chính phủ lâm thời bắt đầu về Hà Nội. Trong cuộc họp trước khi rời Tân Trào về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Không sớm thì muộn, thực dân Pháp cũng quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, chừng nào chúng chưa thua đau trên chiến trường Đông Dương thì chừng ấy chúng còn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta.

Đúng như dự báo của Bác, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 20-11-1946, thực dân Pháp ngang nhiên đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, cho quân đổ bộ vào Đà Nẵng. Ngày 17 và 18-12-1946, chúng gây ra nhiều vụ khiêu khích ở Hà Nội, ra tối hậu thư đòi tước khí giới lực lượng vũ trang của ta. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 22-12-1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”. Đáp lời kêu gọi của Bác, thực hiện chỉ thị của Trung ương, tiếng súng kháng chiến đã vang lên ở mọi miền đất nước.

2. Bác dự báo các cơ quan đầu não kháng chiến sẽ trở lại Tân Trào - Tuyên Quang và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta sẽ thắng lợi.         

Ngày 22-8-1945, Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí lãnh đạo của Đảng rời Tân Trào về Hà Nội. Bác phân công một số đồng chí (Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Hữu Kháng và  Nguyễn Thị Minh Châu) ở lại Tân Trào. Những người phải ở lại căn cứ địa buồn ra mặt. Bác thấy vậy liền bảo: “…các cô, các chú nên nhớ rằng cách mạng phải có đường tiến và có đường lui. Đừng tưởng rằng kỳ này chúng ta về là sẽ không quay lại rừng núi, trở lại căn cứ nữa đâu. Cho nên, bây giờ Bác giao cho các cô, các chú nhiệm vụ ở lại giữ căn cứ này. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng…” (hồi ký của Nguyễn Thị Minh Châu).

Sau cuộc họp Hội đồng Chính phủ vào nửa cuối tháng 11-1946, trước sự lật lọng của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao đổi riêng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

“ Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?”

Đại tướng thưa với Bác: “Có thể giữ được một tháng”

Bác hỏi lại: “Các thành phố khác thì sao?”

Đại tướng trả lời: “Các thành phố khác ít khó khăn hơn”

Bác lại hỏi: ‘Còn vùng nông thôn?”

Đại tướng khẳng định: “Vùng nông thôn nhất định ta giữ được”.

Bác suy nghĩ giây lát rồi nói: “Ta lại trở về Tân Trào” (theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Như vậy có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ sớm đã chọn vùng rừng núi Việt Bắc, địa bàn của Khu Giải Phóng trước Cách mạng Tháng Tám làm An toàn khu, nơi đặt đại bản doanh của các cơ quan đầu não kháng chiến. Và Tân Trào - Tuyên Quang một lần nữa được Bác và Trung ương Đảng chọn làm Trung tâm, vùng lõi của An toàn khu, mà bây giờ cả nước thống nhất gọi là Thủ đô kháng chiến.

Thực hiện Chủ trương của Bác, của Trung ương Đảng, từ tháng 11-1946, các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính Phủ, Mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy lần lượt rời Hà Nội lên Việt Bắc để tiếp lục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kháng chiến. Riêng địa bàn tỉnh Tuyên Quang là nơi đóng quân, đặt văn phòng, trụ sở của hầu hết các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, 13/14 Bộ và cơ quan ngang bộ, gần 60 ban, ngành, cơ quan Trung ương, các công xưởng, xí nghiệp, nhà máy…

Ngày 2-4-1947, Bác Hồ đã về tới Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Trong suốt những năm tháng kháng chiến cam go, gian khổ, bác Hồ đã ở, làm việc tại Tuyên Quang hơn 5 năm với gần 20 địa điểm. Mảnh đất Tuyên Quang thật sự là một “bảo tàng” ngoài trời lưu giữ biết bao sự kiện trọng đại, dấu ấn sâu sắc về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam.

Với dự báo thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có niềm tin sắt đá “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Thực tế cho thấy thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong Chiến dịch Việt Bắc -  Thu Đông năm 1947 đã phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp, làm thất bại âm mưu “Đánh nhanh, thắng nhanh” của quân đội Pháp, bảo toàn được căn cứ địa Việt Bắc, bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não kháng chiến. Đồng thời chiến thắng này cho

Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông năm 1947 trong lúc địch mạnh, ta yếu có ý nghĩa vô giá, giúp toàn Đảng, toàn dân thấy được khả năng ta có thể cầm cự và đánh thắng được quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc kháng chiến này; là một trong những căn cứ thực tiễn quan trọng để Đảng ta hoàn thiện đường lối kháng chiến kiến quốc, bổ sung vào chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự của quân đội ta, củng cố, nâng cao niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, từng bước chuyển qua các giai đoạn của cuộc kháng chiến, kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày hôm nay, những dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Bài học rút ra là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ta cần nghiên cứu sâu sắc lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc, từ đó dự báo sát sao diễn biến của thực tiễn, đề ra phương pháp đúng để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần “… lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”.  

Vũ Bé

Tin cùng chuyên mục