Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp,
giới thiệu cho người lao động, học sinh trên địa bàn tỉnh.
Nhờ có môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt nên tỉnh Tuyên Quang đã thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp đăng ký đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hiện các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang), Khu Công nghiệp Sơn Nam, cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương), cụm Công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên)... đang là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Công ty TNHH Future of Sound Vina ở Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) chuyên về lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử đi vào hoạt động từ năm 2019 đến nay, đã tạo việc làm cho trên 500 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 6 triệu đồng/ người/tháng trở lên. Ông Cho Won Jae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Future of Sound Vina ở Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết, từ khi đầu tư tại Tuyên Quang, Công ty đã được tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, từ việc hỗ trợ pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng, tạo nguồn lao động dồi dào... nhờ đó giúp công ty hoạt động ổn định và ngày càng phát triển hơn.
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức thường xuyên với hình thức ngày càng đổi mới giúp lao động tiếp cận được thông tin của các nhà tuyển dụng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị, doanh ngiệp và các địa phương trong tỉnh tổ chức được 14 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 148 lượt đơn vị, doanh nghiệp, thu hút trên 5.000 người lao động, học sinh phổ thông, đoàn viên, hội viên tham gia với tổng nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh tại các phiên giao dịch việc làm là trên 80.000 lao động. Nhiều phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hoặc tổ chức tại các trường đào tạo nghề cho sinh viên sắp tốt nghiệp, đối tượng bộ đội xuất ngũ, học viên cai nghiện ma túy...
Lao động làm việc tại Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Future of Sound Vina
ở Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).
Anh Ma Văn Tướng, dân tộc Tày, thôn Tống Pu, xã Bình An (Lâm Bình) cho biết, nhờ tham gia phiên giao dịch việc làm tổ chức trên địa bàn huyện, anh đã đăng ký nộp hồ sơ và được nhận vào làm việc tại một công ty sản xuất thép ở Hưng Yên với mức thu nhập trung bình hơn 8 triệu đồng/tháng. Nhờ có thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống gia đình anh được nâng lên đáng kể.
Không chỉ tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm còn được tổ chức qua hình thức trực tuyến, online kết nối các tỉnh trong khu vực để nâng cao hiệu quả. Cùng với đó công tác định hướng, phân luồng giáo dục phổ thông được quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề gắn với nhu cầu địa phương, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể...
Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã được các cấp, ngành triển khai đã giúp nhiều lao động trên địa bàn tỉnh tìm được việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 19.574 lao động. Trong đó lao động làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh là 13.310 người, lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy trong nước là 5.707 người và lao động đi làm việc ở nước ngoài là 557 người.
Trong thời gian tới, công tác giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh được xác định tập trung vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về lao động việc làm, an toàn vệ sinh lao động; thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch về lao động, việc làm và dạy nghề đã được phê duyệt. Đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, xây dựng đội ngũ người lao động có trình độ, tác phong chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng; chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng chuyển từ nông, lâm nghiệp sang các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ, đặc biệt là các xã thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Gửi phản hồi
In bài viết