Sở hữu chất giọng mượt mà, trong trẻo, mỗi khi chị cất tiếng hát người nghe cảm tưởng như thấy tiếng núi rừng vọng lại, tiếng suối reo vang. Đặc biệt là với những người chiến sĩ Biên phòng, tiếng hát của chị như điểm tựa để họ vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Nghệ sĩ nhân dân Vi Hoa thể hiện thành công nhiều ca khúc về quê hương, đất nước và người chiến sĩ.
1. Trong một cuộc trò chuyện cùng tôi gần đây, khi nhắc đến giọng hát của Vi Hoa, ánh mắt của Thượng tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng không giấu nổi xúc động: “Đó là một chất giọng trời cho, rất thuần khiết và có thể coi là “của hiếm” của lực lượng “quân hàm xanh”, dù chị ấy không được đào tạo bài bản về thanh nhạc".
Nghe chị hát đã lâu, lại nghe người thủ trưởng của chị nhận xét, tôi càng mong muốn được gặp người nghệ sĩ đáng kính này. Rồi trong một ngày Hà Nội lất phất mưa bay, tôi đã được thỏa lòng mong ước. Nữ nghệ sĩ cuốn hút tôi bởi sự cởi mở, thân thiện, dễ gần và một giọng nói ấm áp, truyền cảm. Chị kể, chị sinh ra từ nếp nhà sàn người Thái ở Mộc Châu (Sơn La), những bước chân đầu tiên của chị là đến với dòng suối bên nhà, vui cùng tiếng chim nơi đầu bản. Chị đến với âm nhạc qua những làn điệu dân ca Thái mượt mà, đằm thắm rồi cùng sự khuyến khích của người cha - nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vi Trọng Liên, chị càng đam mê hơn.
Tốt nghiệp cấp 3, chị vào học tại Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, mơ ước góp một phần công sức nhỏ bé vào việc giữ gìn nét đẹp văn hóa quê hương, nhất là đối với văn hóa đồng bào các dân tộc vùng cao. Có thể nói, là một cô gái người dân tộc, chị chưa khi nào mơ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp cho đến khi gặp được người thầy lớn trong cuộc đời mình - NSND Quý Dương. Cơ duyên ấy đến vào năm 1985, khi chị giành được Huy chương vàng tại Hội diễn Văn nghệ sinh viên toàn quốc và lọt vào “mắt xanh” của NSND Quý Dương. Thầy Quý Dương đã ra sức động viên, chỉ dạy tận tình để chị có chuyên môn vững vàng hơn và cảm thấy tự tin hơn ở chính mình cũng như con đường ca hát chuyên nghiệp phía trước. Năm 1988, chị về “đầu quân” cho Đoàn Nghệ thuật Phòng không - Không quân và đến năm 1990 thì bắt đầu gắn bó với Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng.
2. Quyết định gắn bó với Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng có lẽ là một thử thách không nhỏ với nhiều ca sĩ trẻ, trong đó có Vi Hoa, bởi nhiệm vụ của Đoàn là phải biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ biên phòng và đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp các vùng biên giới của Tổ quốc. Đó là những ngày biểu diễn xa nhà liên miên, nơi vùng sâu, vùng xa, nơi có địa hình đi lại hết sức khó khăn, hiểm trở và phải đối mặt với điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt. Nơi đó không có những sân khấu hoành tráng lung linh ánh đèn mà thay vào đó là những “sân khấu đất”...
Nhìn lại quãng thời gian hơn 30 năm qua, nghệ sĩ Vi Hoa còn nhớ những thắc mắc mà nhiều người đặt ra khi ấy: Tại sao một cô gái Thái sinh ra ở vùng núi còn nhiều khó khăn lên Thủ đô ăn học là để “đổi đời” mà lại trở về với núi rừng. Chị chiêm nghiệm, có lẽ tình yêu với biên cương, hải đảo, với người chiến sĩ biên phòng và đồng bào dân tộc đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính hát như chị. “Nghệ sĩ của nơi biên cương, hải đảo xa xôi tuy không có hào quang của ánh đèn sân khấu lung linh nhưng lại đến được gần hơn, được tiếp nhận tình cảm dung dị, chân thật của đồng bào và chiến sĩ vùng biên. Họ là những người sẵn sàng cống hiến thanh xuân cho lý tưởng”, nữ nghệ sĩ trải lòng.
Một lý do nữa để chị quyết định gắn bó với lực lượng “quân hàm xanh” là bởi sinh ra ở miền núi Tây Bắc, chị cảm nhận được hơn ai hết nghĩa tình của người chiến sĩ biên phòng với dân bản. Người chiến sĩ không chỉ làm nhiệm vụ canh giữ biên cương, mà còn giúp dân bản phát triển kinh tế, dạy chữ, chữa bệnh... Khắc ghi tình cảm thiêng liêng ấy, chị đã hát những ca khúc về biên cương, hải đảo bằng cả tấm lòng tri ân của mình, trong đó có nhiều ca khúc đã “đóng đinh” trong tâm trí nhiều người.
Năm 2018, NSND Vi Hoa thực hiện liveshow “Vi Hoa - Biên giới tình em”, đánh dấu chặng đường 30 năm ca hát của mình, một liveshow đầu tiên trong cuộc đời của chị, trong đó chị đã chọn thể hiện những ca khúc gắn liền với tên tuổi của mình, như: “Tình ca Tây Bắc”, “Chín bậc tình yêu”, “Em chọn lối này”, “Bài ca trên núi”, “Phiên chợ vùng cao”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Tình ca bên suối”... với sự kết hợp của NSND Nông Xuân Ái, ca sĩ Trọng Tấn, Giàng Hoa và tốp múa của Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Biên phòng.
3. Năm 2020 vừa qua là một năm mang tính “cột mốc” với NSND Vi Hoa, bởi chị phải chia tay với Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng để nghỉ hưu theo chế độ. Để đánh dấu sự kiện đáng nhớ này, chị đã kết hợp với đạo diễn, NSND Việt Hương thực hiện MV ca nhạc ấn tượng “Đời lính tôi yêu”. Điều đặc biệt trong MV này, chị không chọn ca khúc về người lính biên phòng như thông thường mà lại chọn ca khúc “Nhà em ở lưng đồi” của Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh (thơ Lê Tự Minh). Qua MV này, nữ nghệ sĩ không chỉ muốn tri ân những người lính biên phòng mà còn muốn tri ân quê hương Mộc Châu của mình. Chính vì thế mà toàn bộ cảnh quay được ê kíp thực hiện ở Sơn La với những đồi chè xanh mướt, với đỉnh Pha Luông hùng vĩ.
Chia sẻ về MV này, nghệ sĩ Vi Hoa cho biết: “Còn gì hạnh phúc hơn khi đứng trên đỉnh Pha Luông chỉ tay xuống phía lưng đồi, nơi Vi Hoa đã sinh ra và lớn lên rồi ngân nga giai điệu “Nhà em ở lưng đồi/ Nơi chim rừng thánh thót/ Bầu trời xanh dịu ngọt/ Gió tràn về mênh mang...". Còn theo nữ đạo diễn, NSND Việt Hương thì việc chọn bài hát “Nhà em ở lưng đồi” là để nói về bản sắc văn hóa của quê hương nghệ sĩ Vi Hoa nhưng vẫn phát huy được giọng hát thiên phú, qua đó thể hiện tình quân dân như cá với nước, để tri ân quê hương và những người lính biên phòng.
Hơn 30 năm theo con đường ca hát, giờ đây nhận quyết định nghỉ hưu, NSND Vi Hoa chia sẻ, ban đầu thì có đôi chút bồi hồi, xao xuyến, tuy nhiên điều quan trọng với chị vẫn là được đón nhận sự yêu quý của khán, thính giả cũng như đồng đội yêu thương. Và, chị cũng khẳng định rằng, là nghỉ hưu chứ cuộc đời nghệ thuật của mình vẫn chưa dừng lại. Với chị, đã là người nghệ sĩ khoác lên mình màu áo lính thì phải cống hiến cả đời cho người lính và khán giả. Còn khán giả, còn hơi thở là còn trách nhiệm mang lời ca tiếng hát làm đẹp cho đời.
Gửi phản hồi
In bài viết