Hồi tháng 4, một uỷ ban độc lập đã tiến hành điều tra Daihatsu liên quan tới việc hãng này can thiệp vào kết quả thử nghiệm an toàn va chạm hông, ảnh hưởng tới 88.000 xe các loại - hầu hết đều bán ra dưới cái tên Toyota.
Tuy nhiên, những tiết lộ mới nhất cho thấy phạm vi của vụ bê bối thực tế rộng hơn nhiều, ảnh hưởng đến cả một số mẫu xe Mazda và Subaru.
Điều tra mới cho thấy, các bộ điều khiển túi khí được Daihatsu sử dụng trong các thử nghiệm an toàn liên quan tới túi khí khác với thiết bị được lắp đặt trên xe bán ra thị trường.
Toyota Raize là một trong những mẫu xe do Daihatsu phát triển, thậm chí có biến thể Daihatsu Rocky trên một số thị trường.
Ngoài ra, Daihatsu cũng báo cáo sai về kết quả các bài kiểm tra tác động của tựa đầu và tốc độ thử nghiệm đối với một số mẫu xe. Cuộc điều tra cho thấy các trường hợp gian dối này đặc biệt phổ biến kể từ năm 2014.
Toyota cho biết các mẫu xe bị ảnh hưởng bao gồm cả sản phẩm dành cho thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam, cùng các nước Trung và Nam Mỹ như Mexico, Ecuador, Peru, Chile, Bolivia và Uruguay...
Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm, gần 40% trong số đó tại các địa điểm bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, theo dữ liệu của Toyota. Đơn vị này cũng đã bán được khoảng 660.000 xe trên toàn thế giới trong cùng kỳ, chiếm 7% tổng doanh số của Toyota.
Trước diễn biến mới, Bộ Giao thông Nhật Bản cho biết họ sẽ tiến hành kiểm tra trụ sở của Daihatsu ở Osaka vào ngày 21-12.
Makoto Kaiami, người đứng đầu ủy ban điều tra độc lập về bê bối của Daihatsu, cho biết Toyota không phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của Daihatsu, nhưng Daihatsu sẽ phải tự đứng ra gánh chịu những hậu quả.
Chủ tịch Daihatsu Soichiro Okudaira nhận định tình hình là "cực kỳ nghiêm trọng", và bày tỏ quan ngại rằng bất kỳ giấy phép pháp lý nào mà nhà sản xuất ô tô nhận được thông qua các phương tiện gian lận đều có thể bị thu hồi.
Gửi phản hồi
In bài viết