Ông Phúc Vân Vàng và cuốn sổ lưu giữ vốn văn hóa Tày |
Ông Phúc Vân Vàng là người dân tộc Tày, quê ở xã Trùng Khánh (Na Hang). Xã Trùng Khánh trước kia chủ yếu là đồng bào Tày sinh sống. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều vốn văn hóa của người Tày. Sau này, thực hiện chương trình di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, xã Trùng Khánh không còn nữa nhưng làn điệu Then, Cọi, hát Quan làng vẫn được đồng bào Tày duy trì trên quê hương mới.
Ông Phúc Vân Vàng tâm sự: từ một người yêu ca hát, yêu làn điệu Then, Cọi ông đã bị ca từ của làn điệu này mê hoặc lúc nào không hay. Biết một lại muốn biết mười, ông không chỉ dừng lại ở việc thuộc lời mà còn đi sâu tìm hiểu ý nghĩa sâu xa trong lời răn được gửi gắm trong đó. Cứ thế, kho tàng văn hóa của người Tày được mở ra, từ quá khứ, đến hiện tại và cả tương lại. Ông tâm sự, những điều ông dạy con, cháu đều từ những điều răn trong Then, trong Cọi, trong kho tàng ca dao dân ca Tày.
Rồi ông giải thích cặn kẽ, Then là từ biến âm của chữ Thiên (tức là trời). Ðàn Then là đàn trời cho các bà bụt (người chuyên sử dụng đàn Then vào việc cúng lễ). Tương truyền, trong một giấc mơ vàng, họ được ban cho cây đàn trời và dạy cho các bài hát Then được hát vào những dịp trọng đại của làng xã như: cầu mùa, hội làng, hội Lồng Tồng (hội xuống đồng). Ở mỗi vùng quê đều có những làn điệu hát Then khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể, Then có mấy loại hình thể hiện với những chức năng chính. Ðó là Then Kỳ Yên (cầu an); Then cầu mùa, Then chúc tụng; Then chữa bệnh; Then cấp sắc (Lẩu Then).
Lời Then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa; vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ; vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế... Cho nên nghe đàn Tính, nghe lời hát Then, người ta cứ thấy trong đó có một cuộc sống của mình. Ông muốn, con cháu người Tày phải hiểu rõ nguồn gốc của Then, rồi tìm trong đó những giáo lý của cuộc sống.
Ông Phúc Vân Vàng lưu giữ kho báu của người Tày bằng cả chữ Nôm.
Bộ sưu tập làn điệu Then, Cọi của ông cứ thế dày lên theo năm tháng, tuổi tác. Nay đã bước sang tuổi 80, ông vẫn ngày ngày cần mẫn sưu tầm, lưu giữ kho báu của tổ tiên. Bởi, ngoài Then, Cọi, ông còn sưu tầm hát Quan làng. Đây là lối hát dựa theo các điển tích văn học Trung Quốc để nói lên tình cảm gắn bó vợ chồng, nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ hai bên.
Tục hát quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát đều mang ý tứ, ứng xử của cả hai bên gia đình trai gái. Khi thực hiện các nghi lễ để đón rước dâu, người hát quan làng đều phải hát để nhà gái nghe thuận tai và cho công việc được thực hiện đúng trình tự. Nhà gái cũng sẽ đáp lại để tạo không khí vui vẻ. Trong hát quan làng không có đạo cụ kèm theo mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông quan làng.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông lại ngân nga làn điệu Then, Cọi do ông sáng tác: Vằn pây vằn tợ quá mùa đông/ Bại phít xá cằm khôm véng tả/ Dặng chính chiếm mừa nả phong quang. Dịch nghĩa: Ngày đi ngày đã hết mùa Đông/ Những tiếng bấc, tiềng chì vứt bỏ/ Nhìn về phía trước vinh quang...
Ông bảo, không chỉ sưu tầm kho tàng văn hóa Tày, ông còn say mê sáng tác các làn điệu Then, Cọi, Lượn. Tính đến nay ông đã sáng tác hàng trăm bài có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình cảm với quê hương, đất nước... Nhiều bài, ông ngẫu hứng khi lên nương, làm rẫy hay đi chợ phiên rồi sau đó ông ghi chép cẩn thận trong những cuốn sổ tay. Và giờ, cả đời chắt lọc những đam mê, tài sản ông có được chính là kho báu đồ sộ về dân ca của người Tày. Nó là cuộc sống, là hơi thở của ông. Và ông sẽ truyền lại cho con, cháu ông lưu giữ, sưu tầm để vốn văn hóa Tày dày thêm theo thời gian.
Gửi phản hồi
In bài viết