Bài 1: Định rõ đường lối, kiên trì hoàn thiện chủ trương
Bài 2: Chủ động, sáng tạo từ cơ sở, đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Bài 4: Dựa vào nhân dân, nhân lên nguồn sức mạnh của Đảng
Bài 5: Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động
Lãnh đạo Huyện ủy Phú Riềng (Bình Phước) trao đổi lấy ý kiến đánh giá, góp ý của nhân dân tại cơ sở.
Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội là phương thức kiểm soát quyền lực của nhân dân để thực hiện cơ chế "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", góp phần tạo đồng thuận xã hội và mối liên hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân.
Mở rộng phạm vi, hình thức giám sát
Các văn kiện, quy định của Ðảng, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước đều ghi nhận rõ quyền và đề cao vai trò giám sát của nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội (kèm theo Quyết định số 217-QÐ/TW, ngày 12/12/2013).
Quy chế xác định "giám sát" là việc theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
5 năm qua, MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp giám sát 307.311 cuộc, trong đó cấp tỉnh giám sát 10.191 cuộc; cấp huyện giám sát 54.279 cuộc; cấp xã giám sát 242.841 cuộc.
Thực hiện Quyết định 217-QÐ/TW, MTTQ các cấp đã chủ động, kịp thời giám sát từ cơ sở, lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn của Ðảng, Nhà nước, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Như năm 2022, MTTQ các cấp giám sát việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã chỉ ra những hạn chế trong công tác này. Ðó là, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ; kiến nghị, đề nghị của các cơ quan chức năng đối với việc khởi tố, điều tra các vụ án còn thấp; chưa có cơ chế phù hợp để áp dụng các biện pháp ngăn chặn giai đoạn tiền tố tụng; thiếu nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất; chưa quan tâm việc thu hồi tài sản từ giai đoạn tố tụng dễ dẫn đến việc tẩu tán tài sản...
Từ năm 2018-2022, MTTQ ba cấp và Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở Quảng Bình tổ chức đoàn giám sát trực tiếp với 3.359 cuộc; giám sát qua nghiên cứu, xem xét 877 văn bản của các cơ quan chức năng; tham gia 280 cuộc giám sát của Ðoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Giai đoạn 2018-2023, MTTQ các cấp ở Bình Phước có 386 cuộc giám sát chuyên đề bằng hình thức gián tiếp (nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân) và 591 cuộc giám sát thông qua các đoàn giám sát trực tiếp.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước Lê Thị Xuân Trang, do hình thức giám sát gián tiếp khó đánh giá sâu và toàn diện cho nên MTTQ các cấp trong tỉnh chú trọng hình thức giám sát trực tiếp, vừa tiếp cận hồ sơ, báo cáo đồng thời khảo sát, hỏi-đáp, nghe thông tin trực tiếp từ các đơn vị. Năm 2023, khi giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước thực hiện giám sát trực tiếp tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thị xã Bình Long, Ủy ban nhân dân các huyện: Hớn Quản, Bù Ðốp, Phú Riềng và giám sát gián tiếp qua báo cáo đối với Ban Dân tộc tỉnh và bốn huyện: Bù Ðăng, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Ðồng Phú.
Trong 5 năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giám sát 1.784 nội dung. Bí thư Ðảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trần Phương Trân chia sẻ: Trước khi giám sát, hội có phiếu khảo sát (thông qua ứng dụng trên điện thoại) để ghi nhận ý kiến đánh giá của cán bộ, hội viên và nhân dân địa phương về tình hình thực tế liên quan đến nội dung sẽ giám sát. Cùng với nghiên cứu văn bản, tài liệu, đoàn giám sát đi thực tế và tổ chức trao đổi, tọa đàm. Như giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, đoàn sẽ mời thêm các công nhân, tiểu thương là hội viên gần khu vực chợ để giám sát đạt hiệu quả hơn.
Năm 2023, khi thực hiện giám sát nội dung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn có đoàn khảo sát và giám sát trực tiếp tại Ủy ban nhân dân bốn huyện: Pác Nặm, Chợ Ðồn, Chợ Mới, Na Rì, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số thôn có dự án sản xuất theo chuỗi giá trị, dự án sinh kế cộng đồng; đồng thời giám sát qua báo cáo tại 14 xã thuộc sáu huyện.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn Ðỗ Thị Minh Hoa lý giải: Cách làm này bảo đảm chiều sâu của hoạt động giám sát và những kiến nghị, đề xuất sau giám sát đa dạng, sát thực tế và khả thi hơn.
Khách quan, khoa học, tăng cường đồng thuận
Phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước. Với hoạt động này, các tầng lớp nhân dân thông qua đại diện hợp pháp là MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội phát hiện và kiến nghị đối với những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp thực tiễn trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Ðảng, Nhà nước; góp phần làm cho nghị quyết của Ðảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống, nguyện vọng, ý chí, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân, thể hiện rõ tính ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Thống kê giai đoạn 2013-2021, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã chủ trì gần 132 nghìn cuộc phản biện. Trong đó, MTTQ thực hiện hơn 46 nghìn cuộc; Liên đoàn Lao động tổ chức hơn 54 nghìn cuộc; Hội Nông dân có hơn 7.500 cuộc; Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh có 2.388 cuộc; Hội Liên hiệp Phụ nữ có hơn 21 nghìn cuộc. Trong 5 năm gần đây, MTTQ các địa phương đã tổ chức 85.634 cuộc phản biện, trong đó cấp tỉnh có 4.446 cuộc, cấp huyện có 14.384 cuộc và cấp xã có 66.804 cuộc.
Tại Bình Phước, từ năm 2018 đến nay, MTTQ cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức 58 hội nghị phản biện xã hội. MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã gửi 225 dự thảo văn bản cần phản biện, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân. Ðó là nghị quyết, chương trình, đề án của cấp ủy; nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước Lê Thị Xuân Trang đánh giá: MTTQ cấp xã chưa tổ chức được hội nghị phản biện xã hội do hạn chế về nhân lực, trình độ cán bộ và nguồn kinh phí. Ðối với hình thức lấy ý kiến phản biện các dự thảo văn bản, các đơn vị thực hiện đạt hiệu quả cao khi có lực lượng tư vấn, cộng tác viên tâm huyết, có trình độ và kỹ năng tham gia phản biện tốt.
Giai đoạn 2013-2023, MTTQ các cấp ở Bắc Kạn đã thực hiện phản biện xã hội đối với 194 văn bản là các dự thảo tờ trình, nghị quyết, quyết định, đề án, chương trình, kế hoạch của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và các sở, ngành. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn Ðỗ Thị Minh Hoa thông tin: Phản biện xã hội bằng hình thức tổ chức hội nghị mang lại hiệu quả cao, các ý kiến trực tiếp, công khai, minh bạch, đại biểu cùng thảo luận, trao đổi ý kiến đa chiều. Sự tham gia của các cơ quan báo chí cũng giúp thông tin rộng rãi các nội dung phản biện đến đông đảo nhân dân.
Năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận tổ chức năm hội nghị phản biện xã hội về các chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Ðó là, dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đạt chuẩn đô thị loại II; dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số; dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về đặt tên tuyến đường ven biển phía bắc tỉnh; Ðồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu 1 thuộc đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía nam tỉnh… Ở cấp huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tổ chức bốn hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản đều là của cấp ủy đảng cùng cấp. Theo ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phải phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà xã hội và nhân dân quan tâm, tránh dàn trải, thiếu trọng tâm. Các ý kiến, kiến nghị phải được chắt lọc, đúng và trúng; giải pháp đưa ra bảo đảm hiệu quả, tính khả thi; đồng thời phải theo dõi, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các đơn vị sau giám sát, phản biện xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình Trương Văn Hởi chia sẻ: Quý IV hằng năm, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đều phối hợp đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phản biện xã hội đối với một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của năm tiếp theo, có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Từ năm 2017 đến nay, qua các hình thức phản biện xã hội, MTTQ tỉnh tổng hợp ban hành 20 văn bản phản biện xã hội với 115 ý kiến; MTTQ cấp huyện có 28 văn bản phản biện xã hội với 169 ý kiến; MTTQ cấp xã trực tiếp tham gia 304 ý kiến. Những văn bản phản biện xã hội của MTTQ các cấp được cơ quan dự thảo văn bản quan tâm tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo; nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng trước khi ban hành các chủ trương, chính sách có tác động lớn đến đời sống nhân dân (như quy định về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, năm học 2022-2023; quy định về diện tích tách, nhập thửa đất với một số loại đất trên địa bàn…).
Từ năm 2023, MTTQ tỉnh Quảng Ninh thực hiện phản biện xã hội thông qua cả ba hình thức là tổ chức các hội nghị phản biện xã hội; lấy ý kiến trực tiếp của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo văn bản; đối thoại trực tiếp giữa MTTQ với cơ quan, tổ chức có văn bản dự thảo cần phản biện.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Ngân chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện thành công hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Ðó là, mở rộng nội dung và hình thức giám sát, phản biện xã hội; lựa chọn chủ đề giám sát, phản biện xã hội xuất phát từ những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc; xây dựng đề cương, biểu mẫu, biên bản cụ thể, chi tiết, dễ thực hiện; thành phần các đoàn giám sát, phản biện xã hội gồm những người có chuyên môn, am hiểu luật pháp và các nội dung chuyên sâu, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Khảo sát ở nhiều địa phương ghi nhận, nơi nào cấp ủy đảng quan tâm, nhận thức đúng về giám sát và phản biện xã hội, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp sâu sát cơ sở, chủ động, sáng tạo thì ở đó công tác này được thực hiện tốt, tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội.
Những hạn chế trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội cũng bộc lộ rõ tại nhiều địa phương, đơn vị. Ðó là, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ở một số địa phương nhất là cấp cơ sở lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa sâu, thiếu tính thuyết phục; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị thiếu quyết liệt, chưa đi đến cùng. Một số địa phương mới thực hiện hình thức giám sát theo đoàn và phối hợp giám sát; chưa quan tâm đến giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản. Phản biện xã hội mới chú trọng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chưa thực hiện phản biện văn bản của các cấp ủy đảng, các chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân do các cấp chính quyền địa phương ban hành. Phản biện xã hội theo hình thức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ với cơ quan, tổ chức soạn thảo văn bản hầu như chưa được thực hiện. Tại nhiều địa phương, điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác giám sát và phản biện xã hội còn khó khăn, nhất là đối với việc thu hút sự tham gia của hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và trong công việc khảo sát, điều tra, lấy ý kiến trực tiếp của nhân dân…
Giám sát và phản biện xã hội là các chức năng quan trọng của MTTQ Việt Nam, là kênh thông tin có ý nghĩa làm cho mọi chủ trương, chính sách, pháp luật đều là sản phẩm kết tinh của "ý Ðảng" và "lòng dân", đồng thời là thực tiễn sinh động, hiện thực hóa và minh chứng cho quan điểm xuyên suốt "Ðảng chịu sự giám sát của nhân dân". Ðây cũng là cơ sở để tổ chức hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc, ngày càng thực chất và hiệu quả vấn đề có tính quy luật, tất yếu của công tác xây dựng Ðảng là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng.
Gửi phản hồi
In bài viết