Rạch ròi trong tổ chức, minh bạch trong thực thi

08:15, 14/07/2025

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối đối với Nhà nước và xã hội. Đây là nguyên tắc mang tính bất biến, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.

Cán bộ, công chức Điểm phục vụ hành chính công phường Đống Đa (thành phố Hà Nội) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Cán bộ, công chức Điểm phục vụ hành chính công phường Đống Đa (thành phố Hà Nội) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: THẾ ĐẠI

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng chỉ rõ: Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, chủ trương, nghị quyết; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, tổ chức, kiểm tra; Đảng không làm thay Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc này như một yêu cầu cấp thiết nhằm xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Sự phân định rõ ràng chức năng trong hệ thống chính trị, rạch ròi trong tổ chức - minh bạch trong thực thi chính là chìa khóa để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.

Thực tế thời gian qua tại các địa phương cho thấy vẫn còn hiện tượng cấp ủy “quyết thay”, “nắm cả” các hoạt động chuyên môn thuộc trách nhiệm của chính quyền. Theo báo cáo kiểm tra về tổ chức bộ máy, nhiều nơi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cấp ủy và chính quyền “chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp... còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ”.

Tình trạng thiếu phân công, phân cấp hợp lý, nhiều đầu mối tổ chức, đặc biệt ở cấp phòng, cấp xã, làm thu hẹp không gian quyết sách của chính quyền, dẫn đến lúng túng, trì trệ trong triển khai nhiệm vụ.

Đảng lãnh đạo, không làm thay

Các Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW (Ban Chấp hành Trung ương khóa XII) đã xác định việc “kiên quyết cắt giảm đầu mối trùng lắp”, “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách”, “nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể”. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế tại một số đơn vị còn chậm: Quy trình tổ chức bộ máy chưa được rà soát đầy đủ, chưa có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy-chính quyền-đoàn thể; dẫn đến tình trạng cấp ủy ban hành nghị quyết, kết luận cụ thể tới từng lĩnh vực chuyên môn khiến chính quyền không dám quyết, sợ sai.

Một khi Đảng “làm thay”, hệ quả là cấp ủy gánh vác những trách nhiệm không thuộc thẩm quyền, dễ bị cuốn vào tiểu tiết hành chính, từ đó xa rời vai trò định hướng chiến lược và kiểm tra, giám sát toàn cục. Đồng thời, chính quyền đánh mất tính chủ động, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật thực thi yếu kém, niềm tin của người dân vào hệ thống công quyền bị suy giảm. Nguy cơ chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, và sự mờ nhòe quyền hạn giữa các thiết chế sẽ càng trở nên trầm trọng nếu không kiên quyết điều chỉnh.

Để thực hiện vai trò lãnh đạo toàn diện mà không “làm thay”, Đảng cần vận hành thông qua một hệ thống thiết chế tổ chức-thực thi chặt chẽ, minh bạch và phân định rõ chức năng của từng thành tố trong hệ thống chính trị. Trong đó, mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng-chính quyền-Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đóng vai trò then chốt, phản ánh nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Cấp ủy giữ vai trò định hướng chiến lược, hoạch định chủ trương, kiểm tra-giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết. Chính quyền là bộ máy thực thi pháp luật, triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và bảo đảm đời sống nhân dân. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, đồng thời phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng chính sách. Cơ chế phối hợp giữa ba thiết chế này cần được xây dựng trên nền tảng phân công rõ ràng phối hợp nhịp nhàng-kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng “lấn sân”, “chồng chéo”, hoặc “khoán trắng” trách nhiệm.

Để thực hiện vai trò lãnh đạo toàn diện mà không “làm thay”, Đảng cần vận hành thông qua một hệ thống thiết chế tổ chức-thực thi chặt chẽ, minh bạch và phân định rõ chức năng của từng thành tố trong hệ thống chính trị.

Thực tế cho thấy, ở những địa phương xây dựng được cơ chế phối hợp rạch ròi và có quy chế làm việc chặt chẽ giữa cấp ủy-chính quyền-đoàn thể, như Quảng Ninh, Đà Nẵng..., hiệu quả lãnh đạo-quản trị được nâng cao rõ rệt, phát huy tốt vai trò của từng chủ thể trong hệ thống.

Ngược lại, nơi chưa làm rõ trách nhiệm tổ chức, cấp ủy vừa lãnh đạo lại “nhúng tay” vào điều hành, hoặc buông lỏng kiểm tra, thì hiệu quả chính sách kém, dễ dẫn đến trì trệ và thiếu đồng bộ.

Minh bạch hóa và phân quyền đúng mức

Niềm tin của nhân dân đối với Đảng không chỉ được hình thành từ lý tưởng cách mạng và truyền thống lịch sử, mà còn được củng cố bền vững qua hiệu quả lãnh đạo, tính minh bạch và công bằng trong quản lý, điều hành. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập sâu rộng, minh bạch hóa và phân quyền đúng mức không chỉ là yêu cầu kỹ thuật trong quản trị quốc gia, mà còn là biểu hiện cụ thể của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng chiến lược, hiện đại và hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy, ở một số địa phương và bộ, ngành, hiện tượng cấp ủy “quyết thay”, “nắm cả” công tác tổ chức cán bộ, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, điều hành ngân sách hoặc phân bổ nguồn lực thay cho chính quyền vẫn tồn tại. Báo cáo cải cách hành chính năm 2023 chỉ rõ rằng “chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cấp ủy và chính quyền chưa thật rõ, còn chồng chéo... còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ”. Thực tế nhiều nghị quyết hoặc kết luận của cấp ủy chi tiết đến từng khâu chuyên môn, chính quyền “không dám quyết, sợ sai”, dẫn đến việc triển khai chính sách chậm trễ, thiếu đồng bộ, làm giảm hiệu quả quản lý.

Đây là xu hướng trái với mục tiêu của các nghị quyết Trung ương: Làm rõ ranh giới chức năng, tạo điều kiện để chính quyền thực thi quyền lực một cách minh bạch và hiệu quả. Nếu không kiên quyết khắc phục, tình trạng này sẽ tiếp tục làm yếu kém trách nhiệm thực thi của chính quyền, đồng thời cản trở tiến trình cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy theo tinh thần đổi mới của Đảng.

Trong quá trình ấy, công nghệ số và chính phủ điện tử là công cụ hỗ trợ quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu minh bạch hóa quyền lực. Việc số hóa dữ liệu quản lý, công khai hóa ngân sách, kế hoạch đầu tư công, tài sản công, tiến độ dự án… giúp tăng tính tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời hỗ trợ công tác giám sát, phản biện và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Hệ thống báo cáo trực tuyến, cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống đánh giá cán bộ công khai qua kết quả đầu ra từng bước khắc phục tình trạng đánh giá chủ quan, khép kín.

Từ thực tiễn đó, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là: Chuyển từ tư duy “lãnh đạo trực tiếp, cụ thể” sang “lãnh đạo chiến lược, dẫn dắt và kiểm tra”. Đảng không nên, và không thể “ôm đồm” mọi công việc cụ thể, mà cần tập trung hoạch định chiến lược, định hướng phát triển dài hạn, kiểm tra-giám sát việc thực hiện, và đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực thực tiễn, đạo đức công vụ và tinh thần phụng sự.

Chỉ khi quyền lực được phân công đúng mức, đi đôi với minh bạch hóa và kiểm soát quyền lực hiệu quả, thì cơ chế vận hành của hệ thống chính trị mới trơn tru, trách nhiệm của từng thiết chế mới rõ ràng, và niềm tin của nhân dân với Đảng mới được củng cố ngày càng bền chặt.

Nâng cao năng lực cán bộ

Để thực hiện đúng nguyên lý “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong thực tiễn xây dựng và vận hành hệ thống chính trị hiện đại, việc phân định rạch ròi chức năng giữa các chủ thể, đồng thời bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm trong thực thi là yêu cầu cấp thiết.

Trước hết, cần khẩn trương hoàn thiện quy chế phối hợp giữa cấp ủy Đảng-chính quyền-Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở tất cả các cấp. Các quy chế này phải bảo đảm nguyên tắc: Rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền và rõ trách nhiệm.

Đảng cần lãnh đạo bằng các nghị quyết mang tính chiến lược, có cơ chế kiểm tra-giám sát cụ thể. Ngược lại, chính quyền các cấp cần phát huy tính chủ động trong quản lý và tổ chức thực hiện chính sách, có cơ chế giải trình đầy đủ với cấp ủy, đồng thời chịu sự giám sát của Mặt trận và nhân dân. Việc sửa đổi các văn bản pháp quy cần đi theo hướng tăng cường tính tự chủ cho chính quyền, gắn với trách nhiệm giải trình, nhằm bảo đảm hiệu quả thực thi mà không làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng.

Về con người, phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội. Trong bối cảnh Đảng không “làm thay”, thì năng lực thể chế hóa đường lối, năng lực tổ chức thực tiễn và năng lực kiểm tra-giám sát của đội ngũ cán bộ có ý nghĩa quyết định. Cán bộ phải đủ bản lĩnh để lãnh đạo chiến lược nhưng không can thiệp hành chính; đủ kiến thức và kỹ năng để điều hành hiệu quả, minh bạch; đủ phẩm chất để tạo niềm tin trong nhân dân. Các chương trình đào tạo cán bộ cần đổi mới theo hướng gắn lý luận với thực tiễn quản trị công hiện đại, đồng thời đẩy mạnh luân chuyển, đánh giá cán bộ theo kết quả thực thi, chứ không chỉ dựa vào quy trình hành chính hoặc bằng cấp hình thức.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội - từ cán bộ, đảng viên đến người dân - để thống nhất tư duy. Đảng không làm thay không có nghĩa là thoái lui hay buông lỏng trách nhiệm. Đây chính là biểu hiện của sự lãnh đạo hiện đại, minh triết và khoa học. Báo chí, hệ thống thông tin cơ sở và các kênh truyền thông mới cần vào cuộc để phản ánh đúng đắn các chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, lan tỏa các mô hình hay, gương điển hình về phối hợp tổ chức-thực thi hiệu quả trong hệ thống chính trị.

Các văn bản của Đảng, nghị quyết của cấp ủy, kết luận chỉ đạo... cần được công bố kịp thời và giải thích rõ ràng để tạo điều kiện cho các cơ quan thực thi và người dân hiểu, đồng thuận và giám sát. Song song, cần mở rộng các diễn đàn phản biện trong nội bộ và xã hội, bảo đảm các chủ trương khi được ban hành đã trải qua quá trình thẩm định thực tiễn và góp ý rộng rãi. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần được trao thêm công cụ pháp lý và không gian phản biện thực chất, trở thành lực lượng tích cực giúp Đảng kiểm soát quyền lực một cách dân chủ, thực chất.

Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo toàn diện nhưng không làm thay, cần một tổng thể giải pháp từ thể chế đến con người, từ phương thức lãnh đạo đến văn hóa thực thi. Đây không chỉ là yêu cầu cải cách tổ chức, mà còn là đòi hỏi về chất lượng cầm quyền, phù hợp với yêu cầu phát triển quốc gia và kỳ vọng chính trị của nhân dân trong thời đại mới.

Tư duy lãnh đạo hiện đại đòi hỏi phải song hành với cơ chế kiểm soát quyền lực, công khai, minh bạch, và trách nhiệm giải trình. Khi mỗi chủ thể trong hệ thống chính trị đều được phân công rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng và chịu sự giám sát minh bạch, thì không những hiệu lực quản trị được nâng cao, mà niềm tin của nhân dân đối với Đảng cũng được củng cố vững chắc. Đó là nền tảng để xây dựng hệ thống chính trị mạnh, chính quyền hiệu lực, lòng dân đồng thuận - nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Theo Nhân dân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khẳng định vai trò - bước tiếp hành trình đổi mới
Tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang hợp nhất thành tỉnh Tuyên Quang, chính thức khép lại hoạt động của HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong hành trình gian khó nhưng đầy tự hào ấy, HĐND tỉnh đã khẳng định vai trò, vị thế là cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và kết quả đạt được là minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, đồng lòng trong toàn hệ thống chính trị vì sự phát triển bền vững của địa phương.
30/06/2025
Vận dụng “bốn tốt” để vững mạnh từ cơ sở
BHG - Thực hiện mô hình “Chi bộ bốn tốt” (CBBT), thời gian qua, Chi bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Quang phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, cụ thể hóa nội dung “bốn tốt” thành những việc làm cụ thể, thiết thực. Qua 2 năm triển khai, Chi bộ được Hội LHPN tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đảm bảo đạt 100% chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch.
27/06/2025
Huyện Đồng Văn trao tặng Huy hiệu 30, 45 và 55 năm tuổi Đảng cho đảng viên
BHG - Chiều 27.6, Huyện ủy Đồng Văn tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng cho các đảng viên cao tuổi đang sinh hoạt tại các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện uỷ; các đồng chí trong BTV Huyện ủy...
27/06/2025
Nhân lên sức mạnh của Đảng từ cơ sở
BHG - Các chi bộ ở cơ sở đóng vai trò then chốt trong việc triển khai nghị quyết, đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Thực tiễn tại nhiều địa phương cho thấy, nơi nào chi bộ mạnh, đoàn kết, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo thì ở đó các phong trào thi đua phát triển, đời sống Nhân dân nâng cao, niềm tin với Đảng được củng cố.
26/06/2025