Dấu ấn 20 năm tái định cư thuỷ điện Tuyên Quang

- Nhường đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, hơn 4 nghìn hộ dân với trên nhân khẩu đã được di chuyển và bố trí sắp xếp tái định cư cho đến tại 125 điểm tái định cư mới.  Nhờ thực hiện đồng bộ, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân về đời sống và sản xuất, giờ đây các khu tái định cư đã “thay da đổi thịt”, đồng bào đã gắn bó và càng yêu tha thiết quê hương mới… Đó là thành quả sau 20 năm dự án di dân, tái định cư Thuỷ điện Tuyên Quang đã làm được.

Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc

Thủy điện Tuyên Quang là một công trình trọng điểm quốc gia, được khởi công từ năm 2002 và đi vào hoạt động năm 2008. Để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ đã tách riêng hợp phần di dân, tái định cư thuỷ điện Tuyên Quang thành dự án độc lập và giao cho UBND tỉnh Tuyên Quang thực hiện. Ngày 26-4-2002, UBND tỉnh đã thành lập Ban Di dân, tái định cư thủy điện Nà Hang (nay là Ban Di dân tái định cư thuỷ điện Tuyên Quang) với 26 cán bộ, nhân viên.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Ban Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang hoạt động theo phương châm vừa làm vừa học hỏi vừa rút kinh nghiệm, khi công tác di dân, tái định cư dự án thủy điện với số lượng hộ dân và nhân khẩu phải di chuyển lớn chưa có tiền lệ thực hiện trên địa bàn tỉnh.

 

Người dân khu tái định cư thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) thu hái chè bằng máy.

Bà Nguyễn Thị Định, nguyên Giám đốc Ban Di dân, tái định cư Thuỷ điện Tuyên Quang thời kỳ 2002-2003 nhớ như in những ngày đầu thuyết phục người dân di dời. Bà Định chia sẻ, những ngày đầu di dân gặp biết bao khó khăn vì làm sao để thuyết phục được người dân chấp nhận rời quê hương gắn bó bao đời, nơi chôn rau cắt rốn để đến một vùng đất xa lạ, thực sự là một thách thức không hề nhỏ. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng, công tác quy hoạch các khu, điểm tái định cư được tiến hành đồng thời với công tác bố trí dân chuyển đến tái định cư… nên quá trình di dời gặp vô vàn khó khăn. Khó là vậy, nhưng với tinh thần “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, hàng trăm cán bộ của tỉnh, của huyện có trình độ, kinh nghiệm, uy tín, am hiểu phong tục tập quán và tình hình địa phương được tăng cường về các xã, bản làng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với bà con để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con di dời. Hàng nghìn nhân công, cùng hàng trăm thanh niên tình nguyện, bộ đội, công an đã được huy động giúp bà con di chuyển đến nơi ở mới an toàn.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, từ năm 2003 đến năm 2006, 4.122 hộ, 20.419 nhân khẩu đã được di chuyển và bố trí sắp xếp tái định cư cho đến tại 125 điểm tái định cư thuộc 42 dự án tái định cư trên địa bàn các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang.

Ổn định, nâng cao đời sống người dân

Với mục tiêu “Phải tạo được các điều kiện để đồng bào tái định cư sớm ổn định chỗ ở và đời sống, làm sao để nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Ban Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi tổ chức cho các hộ di chuyển về nơi tái định cư, Ban Di dân tái định cư Thuỷ điện Tuyên Quang phối hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giao đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ sản xuất cho các hộ dân; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng như: Công trình điện, đường, thuỷ lợi, trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn… Đồng thời, hỗ trợ người dân được đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm; hỗ trợ sản xuất và đời sống…

Anh Nông Văn Chuyền, khu tái định cư thôn Pá Han, xã Phù Lưu (Hàm Yên) phát triển kinh tế từ cây chanh tứ thì.

Đến nay, toàn tỉnh đã giao đất ở cho 3.915 hộ, bình quân 300 m2/hộ và đất sản xuất nông nghiệp cho 15.041 nhân khẩu tái định cư, đạt trên 500 m2/nhân khẩu; 845 người được đào tạo nghề; 3.776 hộ được hỗ trợ kinh phí sản xuất; 5.573 hộ được hỗ trợ xây dựng hầm biogas, nhà vệ sinh tự hoại… Ngoài ra, tại các khu tái định cư còn được đầu tư xây dựng 611 hạng mục công trình đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, thủy lợi… Đặc biệt, năm 2020, tỉnh ta được bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn nhằm hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nâng cao đời sống cho người dân.

Với nhiều chính sách hỗ trợ, cơ sở hạ tầng được xây dựng tương đối đồng bộ, đời sống của người dân tái cư đã được nâng lên, tốt hơn so với nơi ở cũ, nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương… Hiện có 100% hộ dân tái định cư được sử dụng điện lưới quốc gia; 99% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% trẻ em đến tuổi đi học được đến trường; tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học vùng tái định cư là 100%, phổ cập giáo dục THCS là 99%; người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn khi ốm đau, bệnh tật…

Đi trên con đường trải bê tông phẳng lì dẫn vào khu tái định cư thôn Pá Han, xã Phù Lưu (Hàm Yên), những ngôi nhà sàn, nhà xây khang trang, sạch sẽ mọc san sát bên nhau tạo nên một khung cảnh trù phú, yên ấm sau gần 18 năm di dời đến nơi ở mới. Cũng như các khu tái định cư khác, khu tái định cư thôn Pá Han được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: Điện, đường, công trình nước sạch... Cùng với đó là những phương án, mô hình sản xuất được hỗ trợ đến các hộ dân để phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương mới.

 Một góc khu tái định cư thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Trong ngôi nhà sàn khang trang được xây dựng từ năm 2016, anh Nông Văn Chuyền, thôn Pá Han chia sẻ, nhờ tận dụng lợi thế địa phương và được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, năm 2014, anh vay 400 triệu đồng để mua thêm đất, cây giống mở rộng diện tích trồng cam sành và chanh tứ mùa. Đến nay, vườn cam 3ha và vườn chanh tứ mùa 3.000 m2, mỗi năm cho gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng. Cuộc sống ngày một khấm khá, con cháu được học hành đầy đủ hơn.

Để tiếp tục ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào vùng tái định cư, Giám đốc Ban Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang Nguyễn Văn Định cho biết thêm, thời gian tới, Ban Di dân sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang; tham mưu cho tỉnh giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác di dân, tái định cư ngay từ cơ sở. Cùng với đó, Ban tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các huyện, thành phố đẩy mạnh việc rà soát nhu cầu học nghề, khảo sát nhu cầu việc làm để mở lớp đào tạo nghề, hoặc chuyển đổi nghề gắn với giải quyết việc làm ngay sau đào tạo; tạo điều kiện, hỗ trợ người dân có nhu cầu, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trên quê hương mới, đồng bào tái định cư đã dần ổn định cuộc sống. Chè đã xanh trên các đồi nương, trâu bò không ngừng tăng về số lượng. Hành trình ổn định dân cư sau 20 năm nhường đất cho công trình lớn của tỉnh đã thật sự đơm hoa, kết trái. 

Đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang

Huyện Na Hang đã xây dựng phương án cụ thể đến từng thôn bản di dân. Tại các xã có hộ dân phải di chuyển, UBND huyện đã thành lập các tổ công tác phụ trách di chuyển dân, trong đó phân công các đồng chí là Huyện ủy viên phụ trách chung. Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp cùng Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền chủ trương chính sách đền bù, hỗ trợ; lập kế hoạch di chuyển đối với từng hộ, tổ chức huy động các lực lượng đến hỗ trợ tháo dỡ và vận chuyển nhà ở, tài sản cho các hộ di dân; trực tiếp giải quyết vướng mắc trong quá trình di chuyển. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, xã nhận dân trong việc chuẩn bị mặt bằng, đất sản xuất, tổ chức cho nhân dân đi thăm đất tại nơi tái định cư, tổ chức thanh toán tiền bồi thường cho dân theo địa bàn thôn... Tại các điểm tái định cư, chính quyền nơi tiếp nhân dân đến tái định cư, huy động lực lượng thường trực tại chỗ để giúp đỡ các hộ dân vận chuyển nhà cửa, tài sản và dựng lại nhà ở đảm bảo ổn định kịp thời cho các hộ tái định cư. Các thôn đã di chuyển phải hoàn tất các thủ tục xóa thôn bản cũ, chuyển hộ khẩu, chuyển đảng viên, cán bộ, học sinh cho địa phương mới đảm bảo cho các hộ đến tái định cư kịp thời ổn định cuộc sống, hòa nhập với nơi ở mới.


Đồng chí Vũ Đình Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa

Các dự án, chương trình, chính sách ở các khu, điểm tái định cư trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã được triển khai đồng bộ, kịp thời. Nổi bật nhất là đầu tư lớn về hạ tầng, các công trình giao thông liên thôn, liên xã; hệ thống các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện lưới; hệ thống các công trình công cộng như nhà văn hóa, lớp học, trạm y tế… đã thực sự mang ý nghĩa đòn bẩy đưa đời sống đồng bào tái định cư hòa nhập với cuộc sống sở tại, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.


Đồng chí Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú

Xã Kim Phú có 486 hộ dân tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang sống tập trung ở thôn 5, 9, 8, 22, 23 và 26. Xã đã khuyến khích người dân tích cực tăng gia sản xuất từ đất nông, lâm nghiệp được giao. Bên cạnh đó, xã đã tận dụng thế mạnh từ các mô hình kinh tế tập thể tại địa phương tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Xã đã triển khai công tác đào tạo nghề, tập trung vào các ngành nghề dịch vụ thương mại đã và đang phát triển; tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt hồ sơ, giấy tờ cho người dân tái định cư trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các nhà máy công nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Bà Ma Thị Bạch, thôn 7, xã Nhân Mục (Hàm Yên)

18 năm trước gia đình di chuyển từ xã Xuân Tân (Na Hang) về thôn 7, xã Nhân Mục (Hàm Yên) xây dựng cuộc sống mới. Người dân quan tâm, tạo điều kiện tham gia các chương trình, dự án trồng rừng nguyên liệu, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ đó các hộ yên tâm, tin tưởng, hòa nhập nơi ở mới, làm ăn tấn tới hơn. Tỉnh đã đầu tư làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng; kiên cố hóa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất; xây dựng nhà văn hóa... cho thôn. Ở quê mới, giờ cuộc sống bà con thay đổi từng ngày, ấm no và sung túc hơn. 


Ông Hoàng Văn Tính, xóm 8, xã Tân Long (Yên Sơn)

Gần 17 năm về nơi ở mới, các hộ tái định cư ngoài được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn được Nhà nước đầu tư các công trình thiết yếu như đường bê tông, nước sinh hoạt, đường điện. Tuy nhiên, đời sống của người dân tái định cư  vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, không có việc làm ổn định. Vì vậy, gia đình tôi cũng như 64 hộ dân về tái định cư tại xóm 8, xã Tân Long mong muốn Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Bài, ảnh: Vân Anh

Tin cùng chuyên mục