Tín ngưỡng thuần Việt
Tuyên Quang thời điểm ra xuân Ất Tỵ thời tiết đẹp khô ráo, nhiệt độ lạnh vào đêm nhưng ấm vào ban ngày. Đây là những “thông số” rất quan trọng cho mùa hành lễ về vùng đất Mẫu năm nay. Vì trong vô vàn số khách thập phương đó, người cao tuổi chiếm số lượng không nhỏ.
Du khách thập phương đi lễ, vãn cảnh đền Thượng, xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang.
Vừa bước xuống từ chiếc xe ô tô du lịch 50 chỗ mang biển Hà Nội tại bãi đỗ xe đền Thượng, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang), bà Nguyễn Thị Nhung, 76 tuổi phấn khởi chia sẻ: Đây là lần thứ ba bà trở lại thăm vùng đất Mẫu Tuyên Quang vào đầu xuân năm mới. Chuyến đi này có cùng các con, cháu, các bạn đồng niên nên bà Nhung rất vui, háo hức. Theo bà Nhung, thường năm mới mọi người thích “lên núi” hơn là đi biển hay ở đồng bằng, vì vùng sơn cước cảnh vật, con người mang nhiều nét xuân, lòng người lãng mạn, bay bổng hơn.
Sáng mồng 7 tết, dạo một vòng các ngôi đền trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, thấy lượng khách đổ về đây đông như đi hội, đoàn nối đoàn. Ông Trần Dũng, du khách Nam Định len lỏi bưng mâm lễ cầu nguyện cho cả đoàn tại đền Mẫu Cảnh Xanh, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) khẳng định, thờ Mẫu không phải là một tôn giáo, song nó là một tín ngưỡng tâm linh thuần Việt nhất. Chính vì sự đặc sắc đó mà nghi lễ thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng giống Nam Định, Tuyên Quang là tỉnh có nhiều ngôi đền thờ Mẫu, thờ Anh hùng dân tộc lâu đời, nổi tiếng cả một vùng. Việc bảo tồn, phát huy các ngôi đền Mẫu là việc cần làm của mỗi địa phương, trong đó có Tuyên Quang. Và đoàn thấy vui khi mấy năm trở lại đây, Tuyên Quang làm rất tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các ngôi đền, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, vừa giữ nét văn hóa dân tộc, vừa phát triển du lịch.
Trước tết Nguyên đán những người tổ chức tua đi đền Mẫu đã tổng hợp danh sách, lên kế hoạch chu đáo. Họ thường tổ chức đi một hay trong nhiều ô tô khách, lịch trình khá cụ thể. Bà Lê Thị Thùy, phụ trách một đoàn khách ở Hải Phòng chia sẻ: Đoàn của bà có gần 150 người, toàn trung niên và người già. Đầu tiên khi vào đất Tuyên Quang là đoàn phải qua đền Trình. Các đền Trình thường nhỏ, nhưng đây là quy định bắt buộc để báo cáo với thánh Mẫu. Tại đền Cấm Sơn, phường An Tường (TP Tuyên Quang) hay xa xưa còn gọi là đền Moóc Giằng, đoàn đã báo cáo thánh Mẫu, xin chuyến đi lễ nhiều hanh thông. Sau màn dâng lễ đoàn tiếp tục qua đền Hạ, Thượng, Cấm, Ghềnh Quýt, Cảnh xanh, Ỷ La... Đây là chuỗi 18 ngôi đền linh thiêng nổi tiếng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Tiếp tục lên với các huyện vùng cao đoàn dâng hương, vãn cảnh đền Pác Tạ (Na Hang), Bách Thần (Chiêm Hóa), Bắc Mục (Hàm Yên) và báo cáo ra về tại đền Cô Minh Lương, xã Lang Quán (Yên Sơn). Tùy theo các đoàn, có thể lựa chọn đi một số đền tiêu biểu hay đi nhiều đền, vì trên vùng đất Tuyên Quang hầu như các huyện, thành phố đều có hàng chục ngôi đền. Đi lễ vùng đất Mẫu xứ Tuyên tấp nập phải hết tháng 3 âm lịch, khi đầu tháng 2 âm lịch hàng năm, UBND thành phố tổ chức Lễ hội đền Hạ - Thượng - Ỷ La với nghi lễ rước Mẫu nhập cung, giao bái. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh.
Du khách thăm đền Pác Tạ, Na Hang.
Nét Mẫu xứ Tuyên
Theo ông Trương Đức Tiến, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Tuyên Quang, đền Mẫu ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có. Tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang có 3 ngôi đền nổi tiếng, đó là đền Thượng thờ Mẫu Thượng thiên, Mẫu mặc áo đỏ cai quản vùng trời, đền Cấm thờ Mẫu Thượng ngàn, Mẫu mặc áo xanh cai quản vùng rừng núi, đền Ghềnh Quýt thờ Mẫu thoải, Mẫu mặc áo trắng cai quản vùng sông nước. Người dân Tuyên Quang lập đền Mẫu thoải ngay sát bờ sông Lô để thờ Mẹ nước, nguồn gốc của sự sống “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Rõ ràng Mẫu thoải Tuyên Quang là nét riêng trong văn hóa đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của dân tộc.
Ở Tuyên Quang ngoài đền thờ Mẫu, Anh dùng dân tộc, thì lại có một ngôi đền với tên rất lạ, đền Bách Thần. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang cho rằng, Bách Thần có nghĩa là trăm thần. Đền của người dân Chiêm Hóa thờ cả trăm vị thần, ở tầng thiên thần là thờ thần sấm, chớp, mây, mưa; ở tầng địa thần thờ sông, núi, cây; ở tầng nhân thần thờ các anh hùng dân tộc, mà cụ thể là tướng quan Ma Doãn Giảo - người giúp dân đánh giặc cờ đen ở những thế kỷ trước. Hàng năm vào ngày mồng 8 tháng Giêng, nhân dân Chiêm Hóa mở hội Lồng tông, dâng lễ đền, thể hiện nét văn hóa của cư dân dân tộc Tày bản địa. Vào ngày đầu xuân, đền Bách Thần thu hút một lượng khách thập phương đến dâng lễ, vãn cảnh, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Chiêm Hóa.
Ngược cái rét lên huyện vùng cao Na Hang, từ bến thủy Na Hang, du khách có thể nhìn thấy rõ đền Pác Tạ được xây dựng dưới chân núi Pác Tạ uy nghi, sừng sững giữa hai nhánh hợp lưu sông Gâm và Năng. Đây là đền thờ vị hôn thê của tướng quân Trần Nhật Duật, trấn thủ Tuyên Quang trong cuộc chiến đấu chống quân Nguyên. Việc thờ người phụ nữ, rồi hóa Thánh Mẫu trong văn hóa dân gian thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi.
Trong văn hóa người Việt, Thánh và Thần là những vị có bậc siêu nhiên cao nhất trong văn hóa tâm linh. Thánh, Thần có thể che chở, ban phúc. Trở lại thời kỳ xa xưa của Tuyên Quang, các cư dân bản địa hay lập đền, mong Thánh Mẫu, các vị Thần phù hộ độ trì, thể hiện ước vọng về những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết