Đại biểu Ma Thị Thúy khẳng định, Luật Bảo hiểm xã hội có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động đã và đang làm việc, kể cả những người đã mất và gia đình họ. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét các quy định của dự án luật là đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội, được cử tri cả nước quan tâm. Đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập.
Toàn cảnh phiên họp.
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về mức lương hưu thấp nhất. Đại biểu cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đều có quy định mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng mức lương cơ sở (Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội 2014) hoặc bằng mức lương tối thiểu chung (Điều 52, Luật Bảo hiểm xã hội 2006), trừ một số trường hợp ngoại lệ quy định này. Qua đó, đã giúp cho nhiều nhóm lao động khi nghỉ hưu được hưởng chính sách an sinh xã hội tốt hơn vì nếu thấp hơn sẽ được Quỹ Bảo hiểm xã hội hoặc ngân sách Nhà nước điều chỉnh tăng thêm, bảo đảm ít nhất bằng mức lương cơ sở.
Năm 2024, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ từ ngày 1/7/2024. Nếu coi mức lương hưu thấp nhất là tầng thấp nhất hưu trí xã hội với dự kiến 500 nghìn đồng/người/tháng thì sẽ kéo lùi tiến bộ an sinh xã hội. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung thêm quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu (thay cho mức lương cơ sở đã bị bãi bỏ).
Đại biểu đề nghị, mức tham chiếu cụ thể tại thời điểm cải cách tiền lương phải bằng hoặc cao hơn 1,8 triệu đồng 1 tháng khoảng từ 8-15% tùy theo tốc độ tăng tỷ lệ lương mới sau cải cách tiền lương vào ngày 1/7/2024 thì mới đảm bảo hài hòa giữa thu nhập người đang làm việc với người hưởng lương hưu. Khoảng cách quá xa thì sẽ tạo sự bất bình đẳng trong xã hội, không bảo vệ được nhóm lao động yếu thế.
“Ở đây xin nói rõ hơn là mức 500.000 đồng/người/tháng chỉ tương đương với 33,3% mức chuẩn nghèo thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng và 25% so với mức chuẩn nghèo thu nhập thành thị là 2 triệu đồng. Như vậy, mức sàn an sinh xã hội tối thiểu này sẽ không đảm bảo.
Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia phát biểu ý kiến thảo luận.
Do đó, nếu giữ được mức sàn tối thiểu ít nhất bằng hoặc cao hơn mức 1,8 triệu đồng vào năm 2024 thì nhiều lao động yếu thế sẽ được hưởng cuộc sống an sinh đảm bảo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Đây là điều có lợi cho người dân không thể bỏ đi được” – Đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ.
Về thời điểm thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, đại biểu đề nghị Quốc hội nên lùi thời điểm xem xét, thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sang Kỳ họp 8 để đảm bảo thận trọng, đánh giá đầy đủ tác động chính sách tiền lương mới đối với các quy định Luật Bảo hiểm xã hội và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động là đông đảo người lao động.
“Chúng ta không thể quyết định chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động dựa trên tiền của người lao động và người sử dụng lao động đóng góp trực tiếp mà bản thân họ lại không được tham gia ý kiến. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến người lao động để bảo đảm chính sách ban hành được khả thi, hiệu quả với nhiều chính sách tốt hơn, tiến bộ hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014”- Đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh trước Quốc hội.
Gửi phản hồi
In bài viết