Các nghi lễ của người Dao được ghi chép lại bằng chữ Nho truyền lại cho con cháu.
Anh Trần Văn Tu, Trưởng thôn, Phó Chủ nhiệm CLB Tự quản giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao, thôn Đèo Hoa cho biết, đến nay CLB có hơn 30 thành viên, gồm hội viên Chi hội Phụ nữ, Chi hội Người cao tuổi... Các thành viên là những người tích cực tuyên truyền, vận động các hộ trong thôn và người thân trong gia đình, dòng họ giữ gìn tiếng nói, trang phục, các phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của đồng bào Dao.
Các thành viên nòng cốt thường xuyên tham gia tập luyện hát Páo dung, múa các điệu múa truyền thống như múa chuông, múa bát… để tham gia giao lưu và phục vụ các hoạt động văn hoá, văn nghệ ở địa phương. Bà Nông Thị Quế, thành viên CLB chia sẻ, từ nhỏ, bà và các chị em trong thôn đã được các bà, các mẹ dạy hát. Ngày trước, trong lễ cưới, những người bạn của cô dâu thường hát để đưa cô dâu về tận nhà chồng, lời hát thay cho lời chúc phúc, mong cho cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc.
Khăn đội đầu của phụ nữ Dao được thêu tỉ mỉ với nhiều hoa văn độc đáo.
Cứ vào dịp mùng 3 Tết hằng năm, thôn đều tổ chức Hội tung còn và giao lưu múa, hát. Ngoài ra, còn tổ chức một số trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy… tạo không khí vui tươi, lành mạnh đón chào năm mới. Bà Trần Thị Vín, thôn Đèo Hoa nói, ngày Tết, các bà, các mẹ, chị em trong thôn đi chúc Tết đều mặc trang phục dân tộc. Hình ảnh các bà, các mẹ, các chị xúng xính trong bộ váy dân tộc Dao vui hội, múa hát, tham gia chơi trò chơi… không chỉ tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Đặc biệt, trên 90% hộ dân trong thôn vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống. Những ngôi nhà được làm mới theo kiểu nhà sàn bê tông, vừa có nét hiện đại, vừa giữ được những nét truyền thống của nhà sàn xưa.
Các thành viên CLB Tự quản giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao thôn Đèo Hoa, xã Chân Sơn (Yên Sơn) tập hát Páo dung.
Cùng với đó, những nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao vẫn luôn được gìn giữ như: Lễ cầu làng, lễ cấp sắc, lễ cầu mùa… Theo ông Đặng Văn Sóc, thôn Đèo Hoa, gia đình ông có 8 đời làm thầy, vì vậy các nghi lễ truyền thống luôn được gìn giữ và phát huy. Lễ cầu làng thường được làm theo nhóm hộ được tổ chức vào các ngày 2/2, 6/6, 23/12 trong năm để cúng thổ địa, cầu cho mưa thuận, gió hoà.
Lễ thay tên khi trẻ được 10 tuổi, còn đại Lễ cấp sắc là để công nhận sự trưởng thành cho chàng trai người Dao. Trong Lễ cấp sắc có nhiều nội dung về truyền thống, phong tục tập quán, dạy bảo, khuyên răn đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế để hướng tới cái thiện, tránh làm điều xấu, điều ác… bởi vậy, đây là nghi lễ thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Mặc dù cuộc sống ngày càng hiện đại, nhưng cùng với tiếp thu cái mới, đồng bào Dao thôn Đèo Hoa, xã Chân Sơn (Yên Sơn) vẫn luôn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Qua đó góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân, tích cực xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết