Nhân viên Trung tâm Nông sản xanh Sáng Nhung chuẩn bị các món ăn trong thực đơn đi chợ hộ cho khách.
Do công việc phải đi sớm về muộn nên gần nửa năm nay chị Nguyễn Hà Dung, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) đã lựa chọn dịch vụ đi chợ hộ, chỉ cần vào trang Facebook của của hàng lựa chọn rồi đặt mua sẽ có người giao đến tận nhà. Theo chị Dung, lợi ích của việc này là rất lớn, đặc biệt đối với những người có quỹ thời gian eo hẹp như chị. Trước đây, khi làm xong công việc, chị lại tất bật đi chợ mua đồ ăn, về đến nhà chế biến thì cũng đã khá muộn, có nhiều bữa phải đưa con ra ăn ở các hàng quán để kịp thời gian cả gia đình đi làm, đi học.
Mỗi ngày, thực đơn có khoảng 20 món với đầy đủ món mặn, món chay, món canh để người tiêu dùng lựa chọn, Trung tâm Nông sản xanh Sáng Nhung (TP Tuyên Quang) hiện cung cấp cho hơn 20 lượt khách/ngày trong dịch vụ đi chợ hộ và hàng trăm lượt khách mua hàng tại chỗ. Chị Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Chúng tôi mở dịch vụ đi chợ hộ bởi thấy nhu cầu của khách hàng khá lớn, nhiều người thường xuyên gọi điện hỏi hôm nay trung tâm bán món gì, có giao tận nhà không… Chính vì thế chúng tôi đã cho ra đời nhóm Zalo đi chợ hộ, mỗi ngày đăng tải thực đơn 2 buổi sáng chiều để khách theo dõi. Chúng tôi cũng liên kết với một đơn vị chuyên về giao hàng để luôn có sẵn đội ngũ giao đồ nhanh chóng cho khách”.
Trên thực tế, đi chợ hộ không phải là một ý tưởng mới, vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều cửa hàng, siêu thị cũng đã triển khai hình thức đi chợ hộ. Tuy nhiên, hình thức này không duy trì liên tục nên nhiều người dân chưa quen, cộng với tâm lý không xem hàng trực tiếp thì không yên tâm về chất lượng nên chỉ sử dụng dịch vụ khi cấp bách.
Người tiêu dùng lựa chọn đồ ăn và thanh toán cho cửa hàng qua điện thoại.
Chị Trần Phương Anh, phường Tân Quang cho biết, sử dụng dịch vụ đi chợ hộ thấy yên tâm hơn vì cửa hàng lựa chọn có uy tín, có nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh mình, nếu có vấn đề về an toàn VSTP có thể ngay lập tức báo với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Hơn nữa, giờ đây thanh toán online đang trở nên phổ biến thì việc đi chợ hộ lại càng thuận tiện, vì tất cả đều có thể thao tác trên điện thoại. Để biết món ăn này có ngon hay không tôi cũng có thể xem các bình luận của người mua trước nhờ vậy mà cũng có thể tránh được việc mua đồ không vừa ý.
Chị Phúc Thị Lan Hương, chủ chuỗi cửa hàng Nông sản sạch OCOP Tâm Hương cho biết, để dịch vụ đi chợ hộ thu hút các bà nội trợ, chị lựa chọn các món ăn mang hương vị của quê hương như măng cuốn, nộm rau dớn, bắp bi hấp thịt lợn đen, bánh dày giã tay… Trung bình có khoảng 20 món mỗi ngày theo phương châm khách hàng có một bữa ăn ngay lập tức khi gọi điện đến cửa hàng. Bên cạnh đó chị cũng chiều lòng khách khi cho ra đời các xuất ăn lẩu với đầy đủ thịt, rau củ quả, nước dùng, sẵn sàng chuẩn bị cho khách nếu đặt cỗ theo số lượng lớn.
Theo chị Hương, để duy trì bền vững dịch vụ đi chợ hộ, cửa hàng phải luôn duy trì được nguồn hàng tốt, sạch, bảo đảm an toàn VSTP và độ tươi ngon. Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm, cải thiện dịch vụ từ chính những trải nghiệm, đánh giá của người tiêu dùng trong thời gian vừa qua như vấn đề thanh toán, phương thức giao hàng cần được nâng cao... Có như vậy, dịch vụ đi chợ hộ mới có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng, trở thành xu hướng được.
Trong tương lai, dịch vụ đi chợ hộ với đa tiện ích sẽ thu hút người dân và có nhiều cơ sở kinh doanh, tiểu thương áp dụng hình thức này để bán hàng. Người tiêu dùng cần chủ động sàng lọc, lựa chọn các địa chỉ uy tín để đặt hàng, đồng thời cần lên tiếng trước các hành vi vi phạm về ATTP, bán các sản phẩm quá hạn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để đảm bảo sức khoẻ và chất lượng cuộc sống cho gia đình và cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết