Đi dân nhớ, ở dân thương

- “Đi dân nhớ, ở dân thương” là truyền thống của Quân đội, đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ, yếu tố góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh của Quân đội. Nghĩa tình quân dân là tài sản vô giá của quân và dân ta. Gìn giữ tài sản vô giá đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã không ngừng vun đắp bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể, thông qua công tác dân vận của lực lượng vũ trang tỉnh. Qua đó, càng góp phần củng cố, xây dựng lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Hướng về cơ sở

Đã hơn 2 năm trôi qua nhưng khi nhắc về những ngày tháng được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với các chú bộ đội, đảng viên Lý A Vàng, người Mông, thôn 8 Minh Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên) vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc về buổi khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào hôm ấy. Rồi các chú bộ đội ở lại nửa tháng cùng đồng bào để xây dựng nông thôn mới; giao lưu văn nghệ cùng với đồng bào, tuyên truyền cho đồng bào Mông hiểu thêm về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người Mông mình nữa; vận động người Mông không được nghe theo kẻ xấu; tin tưởng vào Đảng, Nhà nước để yên tâm phát triển kinh tế. Đúng là “đi dân nhớ, ở dân thương”. Đó là những ngày tháng mà tình cảm quân dân thắm thiết mà tôi không thể nào quên được.  

Còn ông Hoàng Văn Vinh, thôn Bản Cưởm, xã Thượng Giáp (Na Hang) cảm kích: Tuyến đường bê tông quân dân vừa hoàn thành trong cuối tháng 11-2023 tuy chỉ 50 m nhưng là công sức, tình cảm, tâm huyết của các chú bộ đội dành cho đồng bào nơi đây. Vượt qua chặng đường gần 100 km từ thị trấn Na Hang đến thôn giúp đỡ nhân dân, cán bộ, sỹ quan của Ban CHQS huyện đã vận chuyển vật liệu, làm đường bê tông với thôn. Các chú bộ đội vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tôi và nhân dân trong thôn vô cùng trân trọng tấm lòng của các chú bộ đội.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh thăm hỏi, tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó xã Đà Vị (Na Hang) tại Tháng Nhân đạo 2023.

Những việc làm thiết thực, cụ thể ở Minh Hương hay Thượng Giáp chỉ là hai trong rất nhiều việc làm thầm lặng của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh  thực  hiện nhiệm vụ dân vận, tuyên truyền đặc biệt. Với quan điểm “về với Nhân dân, bằng tình cảm, trách nhiệm của mình”, thời gian qua, cán bộ, chiến sỹ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh đã ra sức thực hiện phương châm dân vận “hướng mạnh về cơ sở” với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt. Trọng tâm là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với giải quyết việc nóng, việc khó; xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của Bộ CHQS tỉnh ra sức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” gắn với phong trào thi đua quyết thắng, các cuộc vận động, phong trào thi đua của địa phương. LLVT tỉnh tích cực, tham gia hiệu quả vào xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, lực lượng quân sự luôn sát cánh và làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, tạo sự ổn định từ bên trong để phát triển địa phương.

Thượng tá Hà Ngọc Tháp, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh bày tỏ: Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, không có nhân dân thì không có bộ đội, quân với dân như cá với nước, nghĩa tình quân dân là sức mạnh nội sinh quan trọng, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập tự do, thống nhất đất nước. Do đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn giáo dục, quán triệt tốt tinh thần “Nghĩa tình quân dân là tài sản vô giá của quân và dân. Ở đâu dân khó là ở đó có cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh Tuyên Quang”.

Hướng về cơ sở, cán bộ Ban CHQS huyện Na Hang giúp nhân dân thôn Bản Cưởm, xã Thượng Giáp (Na Hang) làm đường bê tông nông thôn.

Nhân lên sức mạnh

Trong những năm qua, thực hiện chức năng “đội quân công tác”, nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình, cán bộ, sỹ quan của Bộ CHQS tỉnh khẳng định là lực lượng xung kích, đi đầu tới những nơi khó khăn, nguy hiểm để giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, giai đoạn 2019 - 2021, trong phòng, chống đại dịch Covid-19, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ lực lượng quân sự của tỉnh phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, là lực lượng nòng cốt, xông pha trên tuyến đầu. Lực lượng quân sự tỉnh được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao và nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh làm tốt công tác hiệp đồng, phối hợp với Sư đoàn 316 (Quân khu 2) xây dựng kế hoạch và tổ chức hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, gắn với thực hiện Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Từ năm 2019 đến nay, lực lượng quân sự tỉnh và Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 đóng góp gần 8.000 ngày công thực hiện dân vận tại các xã vùng sâu, vùng xa, xã về đích nông thôn mới: Đội Bình, Kim Quan (Yên Sơn); Kiên Đài (Chiêm Hóa); xã Minh Hương (Hàm Yên); xã Khâu Tinh (Na Hang). Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tặng thuốc chữa bệnh cho hơn 7.930 người dân thuộc 12 xã vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; tổng trị giá ước gần 2 tỷ đồng.

Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, Quân khu 2 tổ chức hội thao Chiến sỹ mới năm 2023.

Thực hiện nhiệm vụ dân vận nhằm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh phân công gần 2.000 lượt cán bộ phụ trách địa bàn. Cơ quan Quân sự các huyện, thành phố chỉ đạo 138/138 cơ sở dân quân huấn luyện kết hợp làm công tác dân vận, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng hạ tầng nông thôn, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân phát triển kinh tế với tổng số 81.119 ngày công.

Gắn công tác dân vận với thực hiện Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, từ năm 2021 đến nay, đã có trên 1.500 lượt cán bộ, sỹ quan của Bộ CHQS tỉnh tham gia hoạt động “3 cùng” tại các xã; tặng quà cho các gia đình chính sách trị giá gần 50 triệu đồng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án số 78 “Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”,  Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương đã phối hợp tích cực tuyên truyền, vận động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 703/703 hộ với 4.080/4.080 khẩu đã viết cam kết không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Tình hình dân cư khu vực có đồng bào Mông sinh sống ngày càng ổn định, chăm lo sản xuất phát triển kinh tế gia đình, địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Công tác dân vận trong lực lượng quân sự các cấp đánh giá thực tâm, thực chất và đạt hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, nghĩa tình dân quân - sức mạnh nội sinh ngày càng tăng trưởng, góp phần củng cố lòng tin bền chặt của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng mối quan hệ truyền thống máu thịt quân dân ngày càng bền chặt.


Thượng tá Phạm Văn Lợi
Trưởng Ban Dân vận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận 

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Quân đội trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ đối với công tác dân vận. Cùng với đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện công tác dân vận. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, nhằm đảm bảo cho công tác dân vận luôn đi đúng định hướng, chặt chẽ, khoa học, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Việc đổi mới công tác dân vận trọng tâm hướng vào giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Chủ động phối hợp với cơ quan dân vận và tổ chức chính trị xã hội các cấp trong thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở địa phương vững mạnh.



Đồng chí Quách Thị Minh Nguyệt
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thái Hòa (Hàm Yên)

Góp phần củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số

Các hoạt động “ba cùng” của lực lượng bộ đội địa phương cùng với dân quân, nhân dân đã thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa quân và dân trong thời bình. Với nhiều hoạt động cụ thể như tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; cổ vũ và động viên nhân dân tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước… bộ đội địa phương đã góp phần củng cố vững chắc mối quan hệ của nhân dân với lực lượng Quân đội nhân dân. Đặc biệt, giữ vững niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với bộ đội địa phương, từ đó chủ động phối hợp với lực lượng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Trung tá Ngô Tiến Trung, 
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316, Quân khu 2)

Góp phần xây dựng “thế trận lòng Dân”

Xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong thời gian qua, Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn 148 luôn quan tâm chỉ đạo đơn vị làm tốt công tác dân vận trên địa bàn đóng quân, tập trung đi đến những nơi nhân dân còn khó khăn để giúp đỡ kịp thời. Trung đoàn đã triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch về hành quân dã ngoại, thực hiện công tác dân vận với nhiều nội dung thiết thực như: tham gia hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương của tỉnh Tuyên Quang; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn; tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao giữa đơn vị và địa phương… Thông qua các hoạt động dân vận đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 148 trong lòng nhân dân, đẩy mạnh phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", giúp nhân dân vùng khó khăn từng bước cải thiện cuộc sống.


Thượng úy Nguyễn Văn Lân
 Đại đội trưởng T20 Đại đội trinh sát, phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục

Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hủ tục, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Vì vậy, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chính trị xây dựng kế hoạch làm tốt công tác dân vận ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp, thành lập tổ công tác chuyên trách, thường xuyên và đột xuất sẵn sàng “bốn cùng” với bà con, chủ động nắm địa bàn, tình hình dân cư. Cùng với đó, đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào như: Chung tay xây dựng nông thôn mới; 3 cùng với nhân dân; thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Qua đó, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ ngày càng được tô thắm trong đồng bào các dân tộc nơi đây.

Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục