Gia đình anh Bàn Văn Hiện, thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn) di chuyển đến nơi an toàn.
Chuyển ra nơi ở mới, gia đình anh Bàn Văn Hiện, dân tộc Dao, thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã trút bỏ được lo âu, thấp thỏm mỗi khi mưa lớn xảy ra. Anh Hiện nhớ lại, căn nhà cũ của gia đình nằm ngay chân núi Nhãn, mỗi trận mưa lớn là cả gia đình lại phải sống cảnh ở nhờ vì nỗi lo sợ đất sạt. Anh Hiện bảo, không lo sao được bởi có năm mưa lớn, đất trên núi trụt xuống vùi lấp toàn bộ chuồng trại chăn nuôi, công trình phụ của gia đình. Không thể sống trong cảnh bất an, anh Hiện đã quyết định di chuyển ra nơi ở mới an toàn hơn. Theo anh Hiện, họ hàng nhượng đất, Nhà nước hỗ trợ cộng với tích lũy của gia đình anh đã dựng được ngôi nhà sàn khang trang chắc chắn, nơi ở mới cũng trong khu vực thôn nên cuộc sống không bị xáo trộn, đường giao thông lại rất thuận lợi.
Gần 1 năm kể từ khi gia đình bà Hà Thị Hè, thôn Pắc Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) chuyển nhà từ khe núi ra trung tâm thôn cuộc sống đã thay đổi hẳn. Bà Hè phấn khởi cho biết, sống ở đây yên tâm lắm, ăn no, ngủ kỹ không còn phải lo chạy mưa, chạy lũ nữa. Theo bà Hè, ngôi nhà cũ của gia đình, lưng tựa núi, trước nhà là đất canh tác, theo phong tục xưa là rất thuận lợi nhưng thời tiết thay đổi, thiên tai dữ dằn hơn, mỗi khi mưa lớn, lũ trên rừng ập xuống kéo theo cây cối, đất đá vùi lấp hết. Cả chục năm về đây chưa mùa mưa nào gia đình bà được ăn ngon, ngủ yên, lúc nào cũng trong tâm thế sẵng sàng chạy để bảo toàn tính mạng khi có dấu hiệu lạ.
Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, hàng năm tỉnh đã thực hiện rà soát những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm lập kế hoạch hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn. Ưu tiên các đối tượng vùng thiên tai cần di dời cấp bách (vùng thường xuyên có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất...) và các đối tượng dân cư đang sống trong vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Việc sắp xếp, bố trí dân cư trong nội bộ xã, đảm bảo cự ly di chuyển ngắn, không xáo trộn về đời sống và sản xuất của người dân. Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã hỗ trợ di chuyển được 119 hộ, trong đó Lâm Bình di chuyển được 35 hộ, Chiêm Hóa được 31 hộ, Yên Sơn được 29 hộ. Số còn lại thuộc các huyện Na Hang, Hàm Yên, Sơn Dương.
Gia đình anh Bàn Văn Hiện, thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn) di chuyển đến nơi an toàn.
Ngoài các dự án di dân xen ghép, các dự án di chuyển tập trung cũng đang được các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện bao gồm: Dự án Khẩn cấp di dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang), với diện tích khoảng 2,5 ha để bố trí sắp xếp, ổn định chỗ ở cho 49 hộ dân, có tính đến dự trữ diện tích đất để phát triển, mở rộng cho tương lai; Dự án ổn định đời sống cho 72 hộ dân (di chuyển đến điểm tái định cư 53 hộ, ổn định tại chỗ 19 hộ) đang sinh sống và sản xuất trong vùng nguy hiểm ở thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ (Yên Sơn)... Dự tính từ nay đến năm 2025, tỉnh dành khoảng trên 872 tỷ đồng để hỗ trợ di dời các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Báo cáo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, mặc dù tỉnh đã thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ sắp xếp, bố trí ổn định dân cư vùng xung yếu song do tác động của thiên tai ngày một phức tạp khiến số lượng hộ nằm trong vùng nguy hiểm mỗi năm gia tăng. Thống kê sơ bộ, hàng năm toàn tỉnh phát sinh khoảng 100 hộ, chỉ tính riêng trong đợt mưa lớn do hoàn lưu cơn bão số 3 xảy ra ngày 25-8 đã làm phát sinh 16 hộ dân. Đây là thách thức rất lớn cho tỉnh, địa phương trong việc thực hiện sắp xếp ổn định đời sống người dân.
Đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ, hiện tại quỹ đất ở của xã gần như đã hết nên việc cấp đất cho các hộ dân phải di chuyển là rất khó, đòi hỏi sự tự lực tự cường của bản thân các hộ và sự chung tay vào cuộc của anh em dòng tộc trong việc sang nhượng lại đất ở. Đó là ở các xã vùng núi, còn tại các xã ở khu vực dưới việc tìm được đất ở còn khó khăn hơn nhiều, trong khi hầu hết các hộ cần di chuyển đều có cuộc sống khó khăn, để bỏ ra vài trăm triệu đồng mua đất ở là điều gần như không thể.
Do đó việc sắp xếp ổn định đời sống dân cư vùng xung yếu rất cần nhận được sự chung tay của cộng đồng, anh em họ hàng của các hộ di chuyển trong việc sang nhượng, đổi đất, hỗ trợ ngày công giúp các hộ dân nằm trong diện nguy hiểm vơi bớt khó khăn yên tâm di dời, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản.
Gửi phản hồi
In bài viết