Làng sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) - nơi từng là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất thời bao cấp với những chuyến hàng xuất khẩu sang Đông Âu giờ không còn tấp nập như trước. Nhu cầu mua tranh không còn nhiều nữa, đồng nghĩa với việc, thu nhập giảm đi, không còn nhiều người tha thiết với nghề sơn mài, những bức tranh sơn mài đòi hỏi sự tỉ mẩn, thủ công… dần bị mai một.
Chuyện của sơn mài Hạ Thái có thể gặp ở bất kỳ làng nghề nào, khi những nghề thủ công truyền thống đang phải gồng mình giữ nghề trước dòng chảy khắc nghiệt của thời gian.
Có nhiều cơ hội ra thế giới, kiến trúc sư Trần Anh Cường cũng ao ước có nhiều sản phẩm made in Vietnam sẽ có mặt ở những gian hàng trưng bày nội thất của những thương hiệu hàng đầu thế giới.
Trong niềm tâm thức đau đáu muốn giữ một làng nghề truyền thống với những kỳ công của những nghệ nhân, kiến trúc sư Trần Anh Cường và đội ngũ đã lăn lộn qua nhiều làng nghề truyền thống, dừng chân lâu ở làng sơn mài Hạ Thái, đau đáu tìm một hướng đi riêng cho tranh sơn mài Việt Nam.
“Làm sao để những tinh hoa ngàn đời của văn hóa Việt được lồng ghép khéo léo vào các sản phẩm nội thất hiện đại, từ đó vươn xa ra thế giới, không chỉ như một món hàng hóa mà còn như một biểu tượng văn hóa độc đáo”, anh Cường tâm tư.
Nhìn thấy tâm huyết của những nghệ nhân đang trăn trở với sự tồn tại của làng nghề truyền thống, anh bàn với cộng sự, tìm một hướng đi để đưa văn hóa Việt Nam vào những sản phẩm nội thất cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Để đưa sản phẩm ra thế giới, anh xây dựng thương hiệu Vietnam Interior.
Theo anh Cường, các sản phẩm xuất khẩu hiện nay chủ yếu là làm gia công theo mẫu thiết kế của khách hàng nước ngoài, trong khi, các sản phẩm made in Vietnam xuất phát từ các làng nghề, thiếu đầu tư vào khâu nghiên cứu sáng tạo, bị dập khuôn theo những mẫu mã đã có từ nhiều năm trước.
“Đối với Vietnam Interior, chúng tôi xác định rõ ràng hướng đi cho sản phẩm của mình. Trước khi bắt tay sản xuất một sản phẩm, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ nhu cầu của thị trường nước ngoài, lựa chọn danh mục sản phẩm có tính cạnh tranh cao với yếu tố chế tác thủ công, tham khảo các nhà thiết kế cũng như các nhà phân phối của nước ngoài để xác định danh mục sản phẩm của mình.
Điều đặc biệt là chúng tôi sử dụng vật liệu truyền thống và là thế mạnh của Việt Nam như sơn mài, họa tiết khảm, kim loại đồng nguyên chất... với quy trình sản xuất mới đạt chất lượng cao. Điểm nhấn của sản phẩm là lựa chọn màu sắc cũng như họa tiết truyền thống để làm nổi bật yếu tố văn hóa của Việt Nam trong từng đường nét của sản phẩm”, anh Cường chia sẻ.
Để đáp ứng tiêu chuẩn cao của một số quốc gia, Vietnam Interior lựa chọn phối hợp với những vật liệu tự nhiên như gỗ, da bò nhập khẩu từ Italia hay vải cao cấp từ Bỉ, được các nghệ sĩ chế tác thủ công, tỉ mỉ.
Anh Trần Anh Cường tâm sự, mỗi sản phẩm không chỉ là kết quả của sự sáng tạo mà còn là kết tinh từ những đôi tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làng nghề. Từ làng sơn mài Hạ Thái, làng khảm trai Chuôn Ngọ, đến làng đúc đồng Đại Bái…, Vietnam Interior đã và đang nỗ lực góp phần gìn giữ, phát triển và tôn vinh những giá trị quý báu của văn hóa Việt.
Với một tâm thức giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của làng nghề Việt Nam, sản phẩm của Vietnam Interior đã thu hút hơn 5.000 khách hàng đặt lịch hẹn trải nghiệm sản phẩm trong quý IV năm nay. Vietnam Interior cũng dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ xuất khẩu 1.000 sản phẩm đồ trang trí sơn mài và khảm trai sang các thị trường quốc tế.
Các sản phẩm mà đơn vị tập trung sản xuất chủ yếu là những đồ trang trí ứng dụng như: đèn bàn, khay bày đồ, hộp đựng đồ nữ trang, bộ để đồ văn phòng cao cấp... đề cao yếu tố văn hóa, nổi bật tính bản sắc, có tính ứng dụng luôn cao, thân thiện với môi trường.
Để hiện thực hóa điều này, anh Cường và đội ngũ đã hợp tác với các đơn vị xuất nhập khẩu và nhận được sự hỗ trợ từ Hiệp hội Nội thất Việt Nam nhằm xây dựng kênh xuất khẩu-thương mại bền vững, từng bước đưa thương hiệu nội thất Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết