Di tích lịch sử Chiến thắng Bản Heng, thôn Vũ Hải Đường, xã Phú Bình (Chiêm Hoá).
Thu đông 1947, tướng Va - luy Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương vạch ra kế hoạch tấn công quy mô lên Việt Bắc. Theo kế hoạch, hai cánh Đông - Tây sẽ gặp nhau ở Bản Thi.
Ngày 18-10-1947, Trung đoàn 79 gồm các học viên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (tiền thân của Trường Sĩ quan lục quân ngày nay) và đội du kích xã Ngọc Hội (nay là xã Phú Bình), đã phục kích chặn đứng mũi tiến quân của giặc Pháp từ thị trấn Chiêm Hoá qua Bản Heng để lên Bản Thi. Trận địa phục kích của trung đoàn nằm bên phải đường Bản Thi đi Đầm Hồng, cách Bản Heng 200m về phía tây, trên lưng chừng đồi Nà Khoang, xung quanh là rừng cây rậm rạp, vừa bảo đảm bí mật, vừa dễ bao quát hướng tấn công của địch từ mọi phía.
Đội hình của ta gồm 3 trung đội, 1 đội trợ chiến 7 người và đội hậu cần 5 người. Khoảng 8 giờ sáng ngày 18-10-1947, một đại đội quân địch do Đại uý Keroaste chỉ huy từ thị trấn Chiêm Hoá hành quân đến khu vực trận địa. Cách bờ suối khoảng 20m, chúng dồn lại chuẩn bị vượt suối. Sương sớm đã tan, trên các khe ngắm nòng súng của ta, mục tiêu hiện rõ. Một loạt đại liên nổ giòn, những tên đi đầu chết tại chỗ, hai tên cảnh giới cầu cũng gục ngã. Bị đánh bất ngờ bằng hoả lực mạnh, quân địch chạy tán loạn. Trận đấu diễn ra khoảng 20 phút, quân đội ta lập kỷ lục xạ kích tới 72 viên đạn và tiêu diệt được 38 tên Pháp, trong đó có tên chỉ huy, Đại uý Keroaste và làm bị thương 42 tên khác.
Bia Di tích Chiến thắng Bản Heng, thôn Vũ Hải Đường, xã Phú Bình (Chiêm Hoá).
Trung đoàn E79 có đồng chí Vũ Hải Đường hi sinh. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, thắng giòn giã có sự phối hợp, giúp đỡ của quân dân du kích và nhân dân địa phương, cung cấp thông tin, dẫn đơn vị đi đường tắt kịp đón đánh địch. E79 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bẻ gãy cánh quân phía tây của địch. Bị thiệt hại nặng, sĩ quan chỉ huy tử trận, địch vội vã rút về thị trấn Chiêm Hoá, huỷ bỏ kế hoạch đánh lên Bản Thi để hội quân với cánh phía đông.
Chiến thắng Bản Heng thể hiện ý chí quyết tâm đánh thực dân Pháp bằng mọi cách, mọi phương tiện. Chỉ với phương tiện chiến đấu thô sơ, nhưng nhờ mưu trí, dũng cảm và khéo léo, các học viên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn và bộ đội, du kích địa phương đã nêu gương sáng về tinh thần chủ động tấn công, làm thất bại âm mưu hợp quân ở Bản Thi của địch. Với chiến thắng bản Heng, E79 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu “Trung dũng, quyết thắng”.
Như vậy, cùng với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta tại các địa danh như: Đoan Hùng, Bình Ca, KM 7, Khe Lau, Cầu Cả… Chiến thắng Bản Heng đã góp phần làm nên Chiến thắng sông Lô, phá sản hoàn toàn âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn căn cứ địa kháng chiến và các cơ quan Trung ương, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta sang giai đoạn mới.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn, năm 2005, Di tích chiến thắng lịch sử Bản Heng đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trong và ngoài địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết