Lán ở và làm việc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Từ năm 1946 đến năm 1954, đồng chí Tôn Đức Thắng giữ các chức vụ: Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội trưởng Hội hữu nghị Việt – Trung – Xô.
Hàng ngày, đồng chí Tôn Đức Thắng ở và làm việc tại ngôi nhà được dựng theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào miền núi. Ngôi nhà được làm sát với dòng sông Phó Đáy, dưới những tán cổ thụ rậm rạp, đảm bảo bí mật cũng như thuận tiện cho việc giao thông liên lạc giữa các nơi trong vùng.
Sát nhà sàn của Bác Tôn là hầm an toàn. Hầm được đào sâu vào sườn núi Chi Liền khoảng 10 m, đào sang ngang 10m, hình chữ L, có 2 cửa thông 2 đầu. Hầm được ốp gỗ 3 mặt tẩm hắc ín chống mối mọt và được móc với nhau bằng đinh đỉa chắc chắn.
Bia Di tích Nhà ở và làm việc, hầm an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Trong thời gian ở và làm việc tại đây, đồng chí Tôn Đức Thắng – lãnh tụ xuất sắc của phong trào công nhân Việt Nam và phong trào công nhân Quốc tế đã đón tiếp và làm việc với 2 đoàn đại biểu Trung Quốc và Liên Xô trao đổi về công tác Mặt trận, tính chất, ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Đồng thời chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của Quốc hội và Mặt trận. Tháng 2-1953, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã chủ trì Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Uỷ ban Liên Việt. Cũng tại đây, đồng chí đã chuẩn bị nội dung và chủ trì phiên họp đại biểu Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 3 từ ngày 1 đến 4/12/1953 tại Thác Dẫng, thôn Lập Binh, xã Bình Yên bàn về cải cách ruộng đất.
Tháng 7-1954, Bác Tôn đã tổ chức và chủ trì cuộc họp Khối Mặt trận Liên Việt để chuẩn bị việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Nội dung bàn về việc đẩy mạnh các phong trào tăng gia sản xuất và sự nghiệp giáo dục cho nhân dân sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc.
Hầm an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Cuối tháng 7-1954, Bác Tôn cùng hai cơ quan Mặt trận và Thường trực Quốc hội đã rời Chi Liền sang Vai Cày, Đại Từ (Thái Nguyên) về tiếp quản thủ đô Hà Nội.
Năm 2000, Di tích Nhà ở và làm việc, hầm an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia. Nơi đây thường xuyên đón nhân dân, du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ đến tham quan, tìm hiểu để thêm tự hào về truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết