Di tích Trường Nguyễn Ái Quốc ở xã Tân Tiến (Yên Sơn)

- Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) được thành lập năm 1949 tại Định Hoá (Thái Nguyên). Tháng 8-1950 Trường chuyển đến xã Vinh Quang (Chiêm Hoá). Từ đầu năm 1952, Trường chuyển về xóm Phong Vân (nay là thôn 4), xã Tân Tiến (Yên Sơn). Gần 3 năm ở trên địa bàn xã Tân Tiến, nhà trường đã đào tạo nhiều cán bộ nòng cốt của Đảng, Nhà nước, quân đội phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau hoà bình lập lại.

Nhà lưu niệm Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và sinh hoạt văn hoá cộng đồng dân cư xã Tân Tiến (Yên Sơn).

Tháng  2 năm 1952, khi chuyển về xã Tân Tiến, nhà trường đã được bà con tận tình giúp đỡ vật liệu, dựng nhà cửa. Nhờ đó, trong vòng 4 tháng đã hoàn thành xây dựng xong nhà hội trường, nhà làm việc, nhà ở của giáo viên, học viên, nhà ăn, trạm xá. Thời kỳ này, nhà trường có 30 cán bộ, nhân viên.

Đến tháng 4 năm 1952, Trường khai giảng khoá IV, đồng chí Nguyễn Chương là Phó Giám đốc, phụ trách. Giảng viên gồm các đồng chí: Trường Chinh, Lê Văn Lương, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt. Khoá IV có 300 học viên là cán bộ trung cao cấp tham gia học tập.

Mô hình Hội trường Trường Nguyễn Ái Quốc tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (1952 - 1954).

Thời gian này, Trường có các bộ phận: Giáo vụ, Tổ quản lý hành chính và Tổ thư viện. Tổ quản lý hành chính phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương chuyên trách tổ chức chiêu sinh, theo dõi, quản lý học viên. Bộ phận Văn phòng có Tổ Văn thư, Tổ Xây dựng, Tổ Hoả thực, Tổ Tiếp liệu, Tổ Y tế, Kế toán tài vụ. Bộ phận quản lý hành chính còn có nhiệm vụ đưa đón học viên.

Ngoài thời gian học, cán bộ, học viên nhà trường đã cùng tăng gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi bò, lợn, gà để cải thiện bữa ăn. Đồng thời giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân địa phương.

Gian trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại Nhà lưu niệm.

Tháng 12 năm 1952 khi khoá IV chưa kết thúc thì một bộ phận được cử đến Sơn Dương xây dựng địa điểm mới ở xóm Bòng, xã Tân Trào. Thời gian này, Trường có hai cơ sở. Niềm vui lớn nhất trong thời gian này là Nhà trường đã hai lần được đón Bác Hồ đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên và học viên.

Đến tháng 10 – 1954, Trường Nguyễn Ái Quốc được chuyển về xuôi. Thời gian ở Tân Tiến, Nhà trường đã góp phần đào tạo thế hệ cán bộ nòng cốt đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, quản lý đất nước. Trong đó, nhiều cán bộ đã trở thành cán bộ chủ chốt các cấp, ngành, địa phương trong cả nước.

Bia Di tích Trường Nguyễn Ái Quốc, xóm Phong Vân (nay là thôn 4), xã Tân Tiến (Yên Sơn).

Năm 2001, Di tích Trường Nguyễn Ái Quốc ở xã Tân Tiến (Yên Sơn) được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ để các thế hệ cán bộ, nhân viên, học viên Trường Nguyễn Ái Quốc – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về nguồn, ôn lại truyền thống xây dựng và trưởng thành của Nhà trường.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục