Bài học lấy nông nghiệp làm gốc
Cây chuối ngự trồng ở Xuân Vân chưa lâu nhưng có giá trị khá cao và được người tiêu dùng đón nhận. Vấn đề còn lại là chính quyền địa phương quy hoạch, tổ chức sản xuất như thế nào để phát huy hiệu quả của giống chuối này.
Người xưa kể lại rằng, khi Vua Trần đi từ kinh thành Thăng Long về yết kiến Thái Thượng Hoàng ở Phủ Thiên Trường (Nam Định) có dừng nghỉ ở ngã ba Tuần Vường.
Anh Ma Văn Nhạc, thôn Đô Thượng 3, xã Xuân Vân chăm sóc vườn chuối của gia đình.
Cũng bởi yêu quý vị vua cha anh minh, dân làng tìm đến mừng đón. Người các làng biết chuyện đổ về, ai cũng mang của ngon, vật lạ tiến vua. Nhưng có một đôi vợ chồng nông dân nghèo ở làng Đại Hoàng không có vật gì quý giá nên rất băn khoăn. Lúc ấy trong vườn nhà một buồng chuối chín vàng như sáp ong thơm ngát. Chả nề hà, anh chồng chặt buồng chuối xuống, sắp ra từng nải, nải đẹp nhất hai vợ chồng dâng tiến vua. Trước vua cha, hai người rất thành thật rằng nhà con chỉ có mỗi loại quả này đáng giá nhất mang đến dâng vua.
Nhà vua thật ngạc nhiên và bị thuyết phục bởi vị ngọt, hương thơm khác lạ, màu vỏ và màu lòng chuối óng ả như sáp ong mật. Vua bèn truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này và từ đó người dân yêu quý và trân trọng gọi là chuối ngự. Ngự có nghĩa là sự trân trọng và cao quý nhất dành cho vua.
Lời truyền của vua cha lan toả khắp nẻo. Chuối ngự được người dân trân quý trồng ở nhiều nơi, miền xuôi miền ngược đều có cả mang lại giá trị kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năng động như người Xuân Vân thì cây chuối ngự đã được đưa vào trồng và cho hiệu quả. Tết đến chuối ngự được giá nhưng lại không có có hàng để bán.
Từ câu chuyện vua Trần truyền lệnh nhân rộng trồng chuối ngự, thấy được bài học của cha ông ta để lại luôn lấy nông nghiệp làm gốc- dĩ nông vi bản. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới còn không ít bất ổn, khi dịch bệnh Covid-19 và những xung đột trên nhiều lĩnh vực còn phức tạp thì phải lấy nông nghiệp làm trụ đỡ cho các ngành nghề khác phát triển. Hơn nữa đó còn là giá trị văn hoá của nền văn minh nông nghiệp đã có từ nghìn đời nay được các thế hệ vun đắp, tạo dựng nền móng cho đất nước ta vượt bao biến cố.
Ưu thế vượt trội
Chuối ngự được người dân Xuân Vân đưa vào trồng gần chục năm nay. Ngày ấy, bà Đào Thị Sa ở thôn Đô Thượng 3 chỉ nghĩ trồng vài gốc chuối ngự trong vườn nhà để lấy quả thờ cúng gia tiên và phục vụ nhu cầu của gia đình. Bà bảo, khi đi làm đồng về mệt mỏi mà ăn một quả chuối ngự chín thấy khoẻ khoắn hẳn. Loại quả này tăng sức dẻo dai nhưng lại không gây đau dạ dày khi ăn lúc đói như nhiều loại chuối khác. Đấy là ưu thế vượt trội. Vậy nên bà nhân rộng ra đất vườn đồi khoảng 500 gốc. Từ trồng chuối gia đình bà có thêm thu nhập 30 triệu đồng/năm. Chuối ngự dễ trồng, ít chi phí chăm sóc vì cây mẹ "đẻ" xong một lứa thì cây con lại lớn lên, không mất chi phí mua giống. Hơn nữa, chuối là loại cây sinh thuỷ, làm cho đất màu mỡ lên, đó là lợi thế không nhỏ.
Chuối ngự được trồng ở xã Xuân Vân (Yên Sơn).
Bởi thế rất nhiều người dân trong xã đến xin giống chuối nhà bà Sa về trồng. Thời gian trồng chuối ngự hợp nhất vào mùa xuân, sau một năm là cho quả. Thời gian đầu phải thường xuyên giữ ẩm cho cây, sau 1 tháng cây bén dễ mới bón phần chuồng ủ oai mục. Những người trồng chuối lâu năm nhìn tàu lá là biết cần tăng, giảm lượng phân bón như thế nào cho phù hợp, có bẹ lá già thì bóc đi ngay, chớm có sâu tìm cách diệt trừ. Khi chuối đang thì con gái (chưa có buồng) nên đóng cọc tre bên cạnh để chống giữ vì khi mang buồng mới chống cột đỡ thì sẽ bị chột quả. Khi chuối có buồng nên lấy tấm áo cũ trùm lên để tránh sương muối, nắng gắt, quả chuối trông đẹp mắt hẳn.
Mở hướng mới
Chớm Tết, xã Xuân Vân tấp nập người đếm tìm mua chuối ngự. Chúng tôi vào thăm vườn chuối ngự của gia đình anh Ma Văn Nhạc, thôn Đô Thượng 3, một trong những hộ dân có vườn chuối ngự lớn và kỳ công chăm sóc. Vườn chuối nhà anh hiện đang vào vụ, những buồng chuối được che chắn, gốc chuối được vun xới cẩn thận, thật là tỷ mỉ . Anh Nhạc bảo: “Chuối ngự khác với những loại chuối thường, quả chỉ bằng 2 ngón tay chụm lại. Giá trị của chuối ngự Xuân Vân được người dân ở nhiều nơi biết đến và ai cũng mong muốn mua được vài nải về thờ cúng gia tiên, tặng người thân dịp Tết này". Chị Hoàng Thị Mai ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) vừa rồi cùng bạn lên Xuân Vân tìm mua chuối ngự. Mấy chị em phải đặt trước mới mua được 2 buồng về chia cho nhau.
Ông Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân đánh giá, so với cây bưởi Soi Hà, hồng ngâm Xuân Vân thì cây chuối ngự là cây trồng mới, nhưng về chất thì không kém gì. Tuy nhiên, xã Xuân Vân hiện mới có khoảng 30 gia đình trồng chuối ngự với 3 ha. Trong xã có nhiều hộ trồng nhiều khoảng vài trăm gốc như gia đình ông Ma Văn Cường, Ma Ngọc Lại, thôn Đô Thượng 3; Phạm Văn Hải, thôn Chợ; Phạm Hồng Đông, thôn Đô Thượng 2… Với những giá trị của chuối ngự, xã tổ chức quy hoạch phù hợp để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, địa phương.
Chuối ngự quả tròn đều.
Cây chuối ngự Xuân Vân hiện đã có hợp tác xã liên kết sản xuất, đó là HTX Sản xuất và Thương mại Minh Phát, xã Phù Lưu (Hàm Yên). Ông Vũ Văn Sơn, Giám đốc HTX cho biết, đây là loại chuối có sức hấp dẫn người tiêu dùng nên có giá không hề rẻ. Vào ngày thường, chuối có giá 15 - 20 nghìn đồng/nải. Vào dịp Tết, giống chuối này càng thêm đắt giá. Một buồng chuối khoảng 7 - 8 nải được HTX thu mua theo cân, với giá 15.000 đồng/kg, mỗi buồng chuối nặng 15 - 20kg, thu 180 - 240 nghìn đồng, đắt gấp 2 -3 lần các loại chuối khác. Để có chuối cung cấp cho mối hàng và hệ thống siêu thị Vinmart, HTX về tận Xuân Vân liên kết thu mua sản phẩm cho người dân. Trong năm 2022, HTX tổ chức đánh giá hiệu quả của chuối ngự, làm việc với các siêu thị để liên kết với người nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai trồng chuối ngự, tạo thêm sản phẩm OCOP mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết