Ban tổ chức trao giải Nhất cho chủ trâu số 3 giành chức vô địch Hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2023.
Trên các nẻo đường rực rỡ sắc màu lễ hội dẫn về sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn, ngay từ sáng sớm đã trở nên sôi động. Tiếng chiêng, trống, thanh la rộn rã, cờ xí rợp trời. Từng đoàn người trong trang phục lễ hội với các màu sắc đỏ, vàng đặc trưng đưa rước các “ông trâu” tới sới chọi sau khi làm lễ tại đình làng.
Sới chọi tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn được bố trí hình vòng cung vừa chắc chắn, vừa tiện lợi cho sự quan sát từ các khán đài cũng đã sẵn sàng.
Cả bốn phía khán đài đều đã kín người tham dự. Mùa lễ hội năm nay, quận Đồ Sơn chủ trương khống chế lượng vé mời người vào sân vừa phải để khắc phục tình trạng biển người chen lấn đông đúc, dễ gây nguy hiểm, nhất là trong thời tiết nắng “rám trái bưởi” của ngày diễn ra lễ hội.
Ban tổ chức đã tổ chức các màn hình lớn phía ngoài sới chọi để phục vụ người dân và du khách vẫn được chứng kiến trực tiếp các kháp đấu gay cấn, hấp dẫn, cũng như không khí sôi động vốn có của lễ hội truyền thống…
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn Trần Khắc Kiên, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội dân gian truyền thống gắn liền với tục thờ cúng thủy thần và hiến sinh đã có từ rất lâu đời.
Lễ hội luôn lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, bản sắc văn hóa mang tính cộng đồng, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Đồ Sơn với khát vọng chinh phục thiên nhiên, làm chủ biển cả, cầu mong phong điều vũ thuận, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc..
Lễ hội đã gắn liền sự phát triển của vùng đất, con người Đồ Sơn trong suốt chiều dài lịch sử, nhất là trong quá trình hội nhập hiện nay.
Trải qua 34 năm khôi phục và phát triển, lễ hội không ngừng được hoàn thiện, nâng cao về quy mô, nâng tầm về chất lượng, đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian, những giá trị văn hóa truyền thống của “tiền nhân” để lại.
Đông đảo người dân và du khách bị lôi cuốn trong các kháp đấu kịch tính của lễ hội.
Lễ hội đã trở thành di sản văn hóa quý báu, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của cả nước nói chung và của vùng đất Đồ Sơn, Hải Phòng nói riêng và đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.
Điều đó như một thể hiện về giá trị văn hóa tâm linh, sức sống nội sinh, bền lâu, mạnh mẽ của lễ hội trong đời sống tinh thần nhân dân.
Anh Nguyễn Quang Hùng, du khách đến từ thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cho hay, cùng là cư dân vùng ven biển và được cha ông truyền lại “Trà Cổ tổ ở Đồ Sơn”, nên bản thân anh rất hâm mộ Lễ hội chọi trâu cũng như Lễ hội đảo Hòn Dấu của Đồ Sơn.
Hầu như lễ hội năm nào anh cũng tham dự. Nhất là giờ đây giao thông giữa Móng Cái (Quảng Ninh) và Hải Phòng theo đường cao tốc đã trở nên quá thuận tiện và nhanh chóng… Việc tổ chức của lễ hội năm nay khá chu đáo, vui và an toàn…
Chị Hoàng Ngọc Bích, ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, dịp cuối tuần, gia đình chị có kỳ nghỉ tại bán đảo Đồ Sơn-nơi hội tụ của những huyền thoại và tỏa sáng những sắc màu của biển. Mọi người trong gia đình chị đã bất ngờ trước sự thay đổi của cảnh quan du lịch nơi đây với điểm nhấn là Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng và tham gia ngày hội kinh khí cầu tại Đồ Sơn…
Nhưng điều đặc biệt hơn là lần đầu chị được tham dự lễ hội chọi trâu truyền thống, độc đáo, và sự đam mê của cư dân nơi đây, sự náo nhiệt của lễ hội cũng cho chị và người thân trong gia đình một trải nghiệm đáng nhớ…
Trống khua rền vang, cờ hội bay phấp phới, hàng chục trai tráng miền biển biểu diễn màn múa cờ, vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, oai phong như ý chí và hành động của người dân nơi đây luôn kiên cường và hiên ngang trước mọi khó khăn, thử thách, trước sóng gió và bão tố nơi mảnh đất “đầu sóng, ngọn gió” này.
Sau phần múa cờ và các nghi lễ khai hội, các “ông trâu” bước vào phần thi đấu với các kháp đấu đã được bốc thăm từ trước.
Năm nay có 16 trâu tham gia lễ hội, trong đó mỗi phường trên địa bàn quận được đăng ký 2 suất trâu; 4 chủ trâu có trâu đạt giải Nhất, Nhì và đồng giải Ba năm 2022 mỗi người được đăng ký tham gia 1 suất trâu chọi.
Cả vạn người trên sới chọi chăm chú dõi theo những pha đấu gay cấn, quyết liệt và cả niềm vui vỡ òa cảm xúc trước những miếng đánh hay, những pha dũng mãnh của những “ông trâu” được chọn lựa, chăm sóc, huấn luyện kỳ công...
Các khán đài chật kín người dự hội.
Sau vòng đấu loại với 8 kháp đấu, 8 “ông trâu” được vào vòng bán kết. Tại vòng bán kết, diễn ra 4 kháp đấu, chọn 4 “ông trâu” vào vòng chung kết. Vòng chung kết có 2 kháp đấu, chọn 2 “ông trâu” thắng cuộc vào kháp đấu chung kết, 2 “ông trâu” thua cuộc đoạt đồng giải Ba.
15 kháp đấu vô cùng kịch tính, sôi động, gay cấn, lôi cuốn đông đảo khán giả. Kể cả những kháp đấu cuối khi trời vẫn nắng như đổ lửa và đã quá giờ ngọ, nhưng mọi người chăm chú theo dõi, hò reo cổ vũ cho những kháp đấu nảy lửa tại chung kết.
Kết quả, “ông trâu” số 3 của ông Lưu Đình Nam (phường Vạn Hương) giành chức vô địch với số tiền thưởng 100 triệu đồng-cao nhất từ trước tới nay.
Tiếp đến là “ông trâu” số 9 của ông Lưu Đình Dũng (phường Hải Sơn) giành giải Nhì với số tiền thưởng 60 triệu đồng.
Hai “ông trâu” mang số 10 của ông Hoàng Gia I Van (phường Ngọc Xuyên) và “ông trâu” mang số 13 của ông Lưu Đình Quyền (phường Minh Đức) cùng giành giải Ba.
Ban tổ chức trao giải trâu chọi hay nhất cho “ông trâu” số 1 của ông Nguyễn Quang Linh (phường Vạn Hương) và “ông trâu” số 9 của ông Lưu Đình Dũng (phường Hải Sơn); trâu có miếng đánh hay nhất là “ông trâu” số 13 của ông Lưu Đình Quyền (phường Minh Đức).
Trong mấy ngày tới, Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn sẽ tổ chức Lễ hiến sinh và Lễ tế thần nhằm ngày 10/8 (âm lịch) và Lễ tống thần nhằm ngày 16/8 (âm lịch), khép lại một mùa lễ hội thành công, an toàn.
Gửi phản hồi
In bài viết