Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, văn hóa là vấn đề rất lớn, rất toàn diện. Việc nhóm lại trong chương trình thành 10 nhóm giải pháp thực hiện đã được rà soát rất kỳ lưỡng kết quả thực hiện các chỉ thị nghị quyết của Đảng và chiến lược phát triển văn hóa. Tuy nhiên, cũng cần xem xét việc giao cho từng bộ, ngành thực hiện xây dựng các nhóm giá trị văn hóa trong chủ trương.
Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang trong phiên thảo luận.
Đại biểu cho rằng, chỉ nên giao cho một số cơ quan chuyên môn xây dựng các nhóm, hệ giá trị để đảm bảo sự nhất quán. Ngoài ra cân nhắc các giải pháp cũng cần tổ chức lại các giải pháp cho rõ ràng theo ngành, theo địa bàn như xây dựng văn minh đô thị, văn minh nông thôn... để khi tổ chức thực hiện được thuận lợi.
Đối với nhóm giải pháp về thông tin tuyên tuyền cũng cần có những giải pháp trên cơ sở nhìn nhận tổng thể... Đại biểu nhấn mạnh quan trọng nhất là chọn được vấn đề trọng điểm để triển khai.
Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Việc đầu tư Chương trình đã đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Đại biểu nhấn mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với 10 nội dung thành phần, cùng với đó là các giải pháp căn cơ, toàn diện và phù hợp trong từng nhóm lĩnh vực. Chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri và nhân dân mong đợi, nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, theo đại biểu Âu Thị Mai, chương trình còn có sự trùng lặp với các chương trình, dự án khác, như: trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa; nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện, đồng thời một số nhiệm vụ thuộc các nhóm nội dung thành phần có nhiều nội dung mang tính chất thường xuyên.
Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu thảo luận.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng về đối tượng, phạm vi, nội dung của chương trình, tránh chồng chéo, trùng lặp, hoặc bỏ sót đối tượng; đề xuất cơ chế để lồng ghép chính sách, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Đại biểu cũng đồng tình đối với kiến nghị của Chính phủ chuyển Dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình nhưng cần rà soát kỹ lưỡng. Đồng thời đánh giá kết quả thực hiện dự án thành phần số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021 - 2025; đánh giá tác động, làm rõ sự cần thiết điều chuyển, cơ chế điều chuyển, nhất là về bố trí nguồn vốn và trình tự, thủ tục đầu tư, tránh dàn trải, manh mún.
Về dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình: Đaaij biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, vì thực tế hiện nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ đối ứng vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình là 5%, tuy nhiên các địa phương còn khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Vì vậy chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa dự kiến tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là không khả thi.
Gửi phản hồi
In bài viết