Các ĐBQH tỉnh tại phiên họp.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Âu Thị Mai tham gia ý kiến, đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung chính sách đặc thù đối với tỉnh Nghệ An, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện để tỉnh Nghệ An tập trung nguồn lực và tạo động lực mạnh mẽ phát triển nhanh, bền vững.
Về chính sách thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, đại biểu cho rằng nhiều năm qua, không ít dự án đầu tư, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông chậm tiến độ do bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Dự án bị đội vốn; các công trình thi công dang dở, trở thành lô cốt, nút thắt, mất vệ sinh môi trường, dự án không hoàn thành theo kế hoạch, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến nhà đầu tư, nhà thầu và lợi ích dự án mang lại cho phát triển kinh tế-xã hội...
Nhiều dự án chưa giải phóng mặt bằng đã khởi công, sau đó không thể triển khai được vì không giải phóng mặt bằng được, trong khi đó giá nguyên vật liệu, nhân công, các quy định của pháp luật liên tục có sự thay đổi nên đến khi tái khởi động được thì dự án đội vốn hoặc phát sinh những khó khăn khác.
Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu thảo luận.
Do đó đại biểu đồng tình với việc thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng đối với tỉnh Nghệ An. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu trình Quốc hội luật hóa nội dung tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng để áp dụng rộng rãi, trở thành động lực mới cho đầu tư, phát triển, nhất là hạ tầng giao thông của cả nước.
Về các chính sách đề xuất mới, đại biểu quan tâm đến chính sách chính sách quy định: “Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An”.
Đại biểu còn băn khoăn về chính sách này, vì thực tế trên địa bàn cả nước còn nhiều địa phương khó khăn cả về hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội, cần hỗ trợ, đầu tư từ Trung ương, do đó việc bố trí nguồn lực đầu tư ngân sách Trung ương cần đảm bảo cân đối, hài hòa trong tổng thể chung, đồng thời mức phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Nghệ An cần được xem xét, căn cứ phù hợp với quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá tác động cụ thể về ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Việc quy định cơ chế chính sách mới, khác luật sẽ tạo sự thiếu công bằng giữa các địa phương, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng không được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù.
Gửi phản hồi
In bài viết