Tham gia ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người.
Các đại biểu dự họp.
Luật sửa đổi nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người, cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
Đại biểu Hà đề nghị Ban soạn thảo rà soát đảm bảo tính thống nhất của dự thảo Luật với các luật hiện hành như Bộ Luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý,… Đại biểu cho rằng, nạn nhân của nạn buôn bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và đa số thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia phát biểu ý kiến thảo luận.
Tuy nhiên trong dự thảo Luật vẫn là những quy định trung tính về giới, chưa thể hiện rõ nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong phòng, chống mua bán người. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định tư vấn về các hình thức buôn bán người và các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bổ sung đầy đủ các quy định tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống mua bán người.
Đặc biệt là đã luật hóa các quy định trước đây được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh là “Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, quy định về chế độ hỗ trợ nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, bao gồm cả hỗ trợ về sinh hoạt, đi lại, hỗ trợ tâm lý, y tế, việc làm, chi phí phiên dịch, trợ giúp pháp lý...
Cùng với đó, đã bổ sung quy định “Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống mua bán người”; quản lý xuất nhập cảnh và trao đổi thông tin để quản lý hoạt động xuất nhập cảnh... phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ thông tin và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
Đại biểu chia sẻ, những năm qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và tổ chức Rồng Xanh tổ chức xác minh, giải cứu được nhiều nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về và hỗ trợ nạn nhân.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà tham gia thảo luận.
Tuy nhiên, đây là tổ chức Phi chính phủ, trong Luật phòng, chống mua bán người hiện hành chưa có quy định về hình thức tổ chức và hoạt động của tổ chức này. Đề nghị cần xem xét có quy định cụ thể để quản lý và tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức có tham gia vào hoạt động xác minh, giải cứu nạn nhân bị mua bán thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Ma Thị Thúy đồng tình việc ban hành Luật hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm…
Góp ý đối với Điều 27 về Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên, đại biểu đề nghị cân nhắc, xem xét quy định đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định pháp luật liên quan. Đề xuất giao cho Bộ Công an sẽ phù hợp hơn giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như dự thảo.
Đại biểu cũng góp ý vào các quy định cụ thể tại Điều 31 về Người làm công tác xã hội; Điều 135 về tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội, Điều 153 về bồi thường cho người chưa thành niên là bị hại.
Gửi phản hồi
In bài viết