Doanh nghiệp may mặc lo thiếu hụt lao động

- Sau những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành may trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với một thách thức không hề nhỏ. Đó là thiếu hụt lao động, nhiều lao động có tay nghề. Tình trạng này đang đe dọa đến năng suất và sự ổn định của chuỗi cung ứng.

Thiếu hụt lao động làm việc

Thay vì lo thị trường tiêu thụ sản phẩm, lãnh đạo Công ty TNHH MSA-YB, Khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) lại đang phải đau đầu vì thiếu lao động làm việc. Anh Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng nhân sự công ty cho biết: Năm 2024, công ty có khoảng 2.100 lao động, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ còn 1.900 lao động. Điều đáng nói số lao động rời khỏi công ty đều là những lao động ở độ “tuổi vàng” từ 25 - 30 tuổi, lành nghề. Việc thiếu hụt lao động làm việc đang ảnh hưởng lớn đến mục tiêu sản xuất của công ty. Hiện tại đến hết quý I, công ty mới hoàn thành được 200 nghìn sản phẩm, từ nay đến cuối năm lượng hàng gấp 10 lần đòi hỏi một lực lượng lớn lao động, anh Huy lo lắng.

Công ty TNHH MSA-YB, Khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) tăng chế độ đãi ngộ để giữ chân người lao động.

Cùng Khu Công nghiệp Long Bình An, Công ty TNHH Seshin - VN2, cũng đã phải thu hẹp dây chuyền sản xuất do một số lao động đã đi tìm việc ở nơi khác. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Tình trạng thiếu lao động việc làm đã diễn ra từ năm 2023. Tại thời điểm năm 2023, công ty đã phải  “treo” 1 chuyền vì không tuyển dụng được lao động. Đến năm 2025 này tình trạng thiếu lao động tiếp tục lại xảy ra. Không tuyển dụng được lao động vào làm việc, công ty khó chủ động trong kế hoạch sản xuất. Ông Khánh dẫn chứng, 90% sản lượng của công ty xuất khẩu vào thị trường Mỹ, hiện tại Mỹ đã gia hạn thời gian thực hiện thuế quan, đây là điều kiện để công ty tăng cường lực lượng sản xuất, tuy nhiên bộ phận hành chính nhân sự “đỏ mắt” tìm kiếm lao động đề bủ đậy vào số lao động nghỉ nhưng cũng khó để tuyển dụng.

Không riêng những doanh nghiệp may mặc, giày da xuất khẩu tình trạng lao động thiếu hụt lao động làm việc cũng diễn ra sau những kỳ nghỉ lớn. Nguyên nhân là lao động tự ý bỏ để tìm kiếm việc làm ở nơi khác. Đại diện Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye Tuyên Quang, xã Tân Thành (Hàm Yên) cho biết: Năm 2025 này, công ty có kế hoạch tuyển dụng 1.500 lao động vừa để mở rộng sản xuất và cũng để bù đậy vào những vị trí của các công nhân đã nghỉ.

Theo phân tích từ các chuyên gia lao động việc làm, may mặc, giày da là một trong những ngành sử dụng số lao động lớn nhất và cũng là ngành chịu sự cạnh tranh rất lớn trong thu hút lao động với các ngành khác như điện, điện tử. Thêm vào đó là thu nhập của các doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với các tỉnh trong lân cận như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Hiện tại mức thu nhập của công nhân khu, cụm công nghiệp tỉnh khoảng 6 - 8 triệu đồng, trong khi các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc khoảng 9 - 10 triệu đồng, chưa kể các chế độ đãi ngộ như xe đưa đón…

Giữ chân người lao động

Anh Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH MSA-YB, Khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) chia sẻ, để giữ chân người lao động, bắt đầu từ tháng 3 vừa qua, công ty đã hợp đồng với doanh nghiệp vận tải thực hiện đưa đón công nhân đi làm bằng xe buýt để đảm bảo giờ giấc đồng thời cũng giúp công nhân giảm chi phí đi lại. Bên cạnh đó, công ty thực hiện chi trả tiền thâm niên với những lao động có tay nghề, kinh nghiệm làm việc nhiều năm, đồng thời khuyến khích công nhân trở thành tư vấn viên giới thiệu việc làm. Mỗi công nhân giới thiệu được 1 lao động sẽ được thưởng nóng 2 triệu đồng.

Trong bối cảnh khó khăn về lao động, Công ty TNHH Seshin - VN2, Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cũng nâng chính sách, duy trì các phúc lợi cho người lao động như tiền chuyên cần, tăng ca, xăng xe để giữ chân lao động. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Seshin-VN2 chia sẻ: Riêng trong lĩnh vực tuyển dụng, công ty đã nới lỏng yêu cầu tuyển dụng, thay vì yêu cầu biết việc, công ty đã thực hiện tuyển dụng cả lao động chưa có tay nghề để về đào tạo kết hợp vừa học vừa làm đảm bảo có thu nhập.

Giải cơn “khát” lao động, đặc biệt là doanh nghiệp may xuất khẩu trên địa bàn, Sở Nội vụ đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động thông qua cung cấp miễn phí các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm đến người lao động và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Những giải pháp đã và đang thực hiện, hy vọng sẽ mang lại tín hiệu tích cực, bởi ổn định lao động là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện tại ngành dệt may đang có cơ hội hồi phục sản xuất.  

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục