Độc đáo lễ cưới của người Dao

- Ở Tuyên Quang, dân tộc Dao có khoảng 100 nghìn người, là dân tộc thiểu số đông thứ 2 chỉ sau người Tày. Người Dao trên địa bàn tỉnh có đủ 9 ngành với bản sắc đa dạng, độc đáo. Trong cuộc đời người Dao ngoài nghi lễ Cấp sắc thì lễ cưới hỏi được coi là ngày trọng đại trong đời. Và đã là ngày trọng đại trong đời thì gia đình phải chuẩn bị kỹ càng, làm thật chu đáo.

Khi nam, nữ người Dao yêu thương nhau rồi đi đến quyết định hôn nhân thì bao giờ cũng phải nhờ thầy xem tuổi. Nguyên tắc xem tuổi hợp hôn dựa theo âm dương ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.


Cô dâu phải trùm kín mặt, không để ánh nắng mặt trời chiếu vào trong lễ đón dâu.

Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, khi việc xem tuổi hợp hoàn tất, một thủ tục bắt buộc của người Dao là phải nhờ thầy chọn ra ngày, giờ tốt để làm lễ cưới với mong muốn mang hạnh phúc cho đôi trẻ. Để tiến tới tổ chức lễ cưới, nhà trai phải sang nhà gái ít nhất 3 lần. Lần đầu tiên đi ăn hỏi thì nhà trai không phải mang lễ vật gì. Người đi hỏi, tức ông bà mối do bố mẹ chàng trai lựa chọn phải là người am hiểu phong tục, tập quán, nói năng lưu loát và phải là người có đức độ, liêm khiết, có uy tín với bà con dân làng. Sau khi ướm hỏi nếu được bên nhà gái nhất trí thì mới về báo gia đình nhà trai chuẩn bị. Lần thứ hai là lễ ăn hỏi. Đến lần thứ 3 là mang lễ vật gồm thịt lợn, gà, gạo, rượu sang để cho nhà gái chuẩn bị tổ chức lễ cưới. Ngoài ra, lễ vật còn nhiều sính lễ khác và tùy thuộc vào mỗi gia đình. Có những gia đình thường đưa ra những yêu cầu rất cao, trước đây gọi là thách cưới, như bạc trắng lên tới 100 đồng. Tuy nhiên, hiện nay, theo nếp sống văn hóa mới, việc thách cưới đã giảm, chỉ mang tính tượng trưng. Nếu không có bạc trắng thì có thể quy đổi ra tiền mặt.

Nghi lễ đón dâu bắt đầu từ bên nhà trai, đoàn đón dâu bao giờ cũng phải đi lẻ gồm ông bà mối, chú rể, phù rể, những người phục vụ gồng gánh lễ vật, của hồi môn. Cái lạ so với các dân tộc khác, đám cưới người Dao có đội nhạc của nhà trai gồm kèn pí lè, trống, chũm chọe, chiêng, thanh la sang đón dâu. Ông Đặng Chà Chiu, thầy kèn của người Dao Đỏ ở xã Phù Lưu (Hàm Yên) cho biết, hôm đám cưới nhà trai đi đón nhà gái, thổi kèn đi đón dâu. Các cụ truyền lại rồi, đám cưới thổi kèn mới vui, đồng thời chúc cho đôi nam nữ hạnh phúc mãi mãi, làm ăn phát đạt, sau này mẹ tròn con vuông. Đến cổng nhà gái, ông mối nhà trai có lời thưa để xin phép vào nhà gái làm lễ. Sau khi được nhà gái đồng ý, đoàn nhà trai sẽ vào để làm nghi lễ đón dâu về nhà chồng. Theo phong tục, trên đường đón dâu về, cô dâu được trùm một tấm khăn màu đỏ đen, người phù dâu dùng khăn che mặt cho cô dâu. Người Dao quan niệm, trong lễ rước dâu cô dâu không được nhìn thấy ánh nắng mặt trời bởi sợ mất vía, sẽ không gặp may trong đời sống sau này. Chú rể cũng không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ cúng tạ tổ tiên. Trước khi đến cổng nhà chú rể, cô dâu phải trải qua nghi lễ giải hạn khái quan, với mục đích là để xua đi những cái xấu. Khái quan xong thì mai sau sinh con mới mạnh khỏe.

Mỗi ngành Dao trên địa bàn tỉnh tuy phong tục cưới có khác nhau đôi chút, song thường có lễ tơ hồng được thực hiện ngay sau lễ cúng tổ tiên, đây là nghi thức quan trọng công nhận đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng. Người Dao quan niệm rằng khi tổ chức xong nghi thức này thì đôi bạn trẻ sẽ được sống hạnh phúc với nhau đến trọn đời, không gì có thể chia tách đôi vợ chồng trẻ. Chị Triệu Thị Chúc, xã Đà Vị (Na Hang) chia sẻ, trước khi vào làm lễ tơ hồng, cô dâu trang điểm thật đẹp, đội nón có thêu hoa văn sặc sỡ, tay và cổ đeo nhiều vòng bạc, chú rể mặc áo đỏ, đầu đội khăn xếp. Một đôi chiếu được trải ra trước bàn thờ tổ tiên, đôi vợ chồng trẻ quỳ trước bàn thờ, lần lượt các nghi thức của lễ tơ hồng được thầy cúng thực hiện. Đầu tiên là nghi thức xua đuổi những điều không may đối đôi vợ chồng trẻ, tiếp theo là nghi thức làm bùa yêu để hai người được ở bên nhau mãi mãi. Ngay sau bùa yêu là bùa yểm, thầy cúng yểm cho đôi vợ chồng trẻ luôn luôn khỏe mạnh và được bảo vệ bởi các thần linh. Kết thúc nghi thức này là lễ lạy của cô dâu và chú rể. Chú rể phải lạy đủ 12 lần trước bàn thờ tổ tiên cùng với cô dâu theo tập quán truyền thống. Sau đó, cô dâu và chú rể sẽ uống chung ly rượu với ý nghĩa uống xong ly rượu này hai người sẽ say nhau suốt đời, sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Kết thúc nghi lễ, mọi người tham dự lễ cưới ăn uống để chúc mừng cho hạnh phúc của cô dâu, chú rể.

Nhạc trong đám cưới người Dao, thay lời chúc phúc.

Để nghi lễ cưới diễn ra trang trọng, đúng nghi thức, người con gái Dao phải tự chuẩn bị bộ trang phục cho mình trong một thời gian dài. Thường thì bộ trang phục cô dâu phải chuẩn bị một năm và thêu tay, từ khi đám hỏi xong là thêu, đến khi thêu đủ số lượng là có thể tổ chức đám cưới. Cùng với trang phục, khi được rước dâu về nhà chồng, cô dâu Dao nào cũng đeo đôi vòng bạc trên cổ. Đây là món quà quý nhất của bố mẹ cho con gái, là biểu tượng tinh thần, là sự chăm sóc và luôn ở bên con, là động lực để con gái vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Cùng với cô dâu, trong ngày cưới chú rể cũng mặc những bộ trang phục truyền thống. Khi đi rước dâu về, tấm khăn cũng là một thứ không thể thiếu để đón vợ. Bởi tấm khăn là biểu tượng của sự kết nối hạnh phúc “tơ hồng” bền chặt của đôi trẻ trao cho nhau trong ngày cưới.

Những nét độc đáo trong đám cưới người Dao giờ còn thu hút đông đảo du khách nhiều nơi đến tìm hiểu, tạo động lực cho du lịch văn hóa phát triển, văn hóa mang lại giá trị thiết thực cho cuộc sống cộng đồng.                 

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục