Ông Siu Phơ dẫn đầu đoàn nghi thức rước lễ cúng lên núi Chư Tao Yang. (Ảnh: ĐỨC THỤY)
Năm nay, cũng là dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Di tích Plei Ơi được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia (24/3/1993-24/4/2023). Lễ cầu mưa được tổ chức dưới núi thần Chư Tao Yang, được phục dựng nguyên bản theo phong tục của người Jrai bản địa. Nghi thức cúng do ông Siu Phơ (phụ tá của ông Rah Lan Hieo-phụ tá đời Vua Lửa thứ 14) thực hiện.
Lễ hội cầu mưa là hoạt động văn hóa tín ngưỡng độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của người Jrai ở Gia Lai được bảo tồn, phát huy một cách nguyên vẹn giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lễ hội của dân tộc ở Tây Nguyên.
Thầy cúng cùng các già làng, người uy tín thực hiện nghi lễ dưới chân núi thần Chư Tao Yang. (Ảnh: ĐỨC THỤY)
Lễ cầu mưa thường được tổ chức vào tháng 4, tháng 5 hằng năm với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
Với những giá trị đặc sắc đó, lễ hội cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8/6/2015.
Đến với không gian lễ hội, du khách không chỉ được tìm hiểu các nghi lễ truyền thống, tham quan, mua sắm các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng từ thổ cẩm, nhạc cụ, trang sức; được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Jrai như cơm lam, gà nướng, rượu cần… mà còn được tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc; được xem các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, tạc tượng nhà mồ, đan lát, dệt thổ cẩm, hát dân ca và cùng trải nghiệm, đắm chìm vào những điệu múa xoang uyển chuyển trong các lễ cúng nhà rông, cúng bến nước…
Tiết mục thi diễn tấu cồng chiêng tại Lễ hội cầu mưa. (Ảnh: ĐỨC THỤY)
Ông Nguyễn Ngọc Ngô, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, Lễ hội cầu mưa năm nay diễn ra trong 2 ngày (30/4 và 1/5) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn.
Ngoài các hoạt động chính được tổ chức tại Khu Di tích Plei Ơi, du khách có thể tham gia tour du lịch kết nối tại các địa phương trong huyện như hồ Ayun Hạ, chùa Quang Sơn (xã Ayun Hạ), làng Plei Rbai (xã Ia Piar) và hồ sen Ktoang (xã Ia Yeng).
Ngoài ra, du khách có dịp tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương được trưng bày ở 23 gian hàng tại khuôn viên khu di tích.
“Lễ hội là dịp để khơi dậy tình yêu, sự gắn kết trong cộng đồng, đồng thời để địa phương quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ, đồng thời giới thiệu các danh lam thắng cảnh, sản vật địa phương với du khách gần xa, qua đó thu hút đầu tư để phát triển ngành kinh tế không khói tại địa phương”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Thiện cho biết.
Gửi phản hồi
In bài viết