Lãnh đạo huyện Yên Sơn trao giải A cho các đoàn, trong đó có tiết mục múa Sênh tiền của xã Kiến Thiết.
Hiện nay ngoài khèn, sáo Mông, làn điệu dân ca, thì điệu múa Sênh tiền được người Mông xã Kiến Thiết bảo tồn và phát huy, làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở cơ sở. Chị Vàng Thị Hoa, dân tộc Mông thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết, người múa Sênh tiền khẳng định, không ai biết múa Sênh tiền có từ bao giờ, chỉ biết đây là một điệu múa cổ truyền của dân tộc Mông đã được các thế hệ đi trước biểu diễn, truyền từ đời này qua đời khác. Múa Sênh tiền thường theo nhóm lẻ ba, năm, bảy hoặc cũng có thể theo nhóm chẵn hai, bốn, sáu người cùng nhau biểu diễn. Điệu múa dành cho cả nam và nữ, không phân biệt lứa tuổi, nhưng thường thì thanh niên múa nhiều hơn. Theo chị Hoa, trong các điệu múa của người Mông, múa Sênh tiền là thể loại khó, phải kết hợp cả chân, tay, hông, đầu. Người biểu diễn phải thường xuyên luyện tập chăm chỉ, kiên trì mới có kết quả tốt.
Loại nhạc cụ được sử dụng trong điệu múa Sênh tiền là một cây gậy làm bằng một đoạn trúc già lấy trên đỉnh núi có đường kính từ 5 đến 7 cm, dài từ 1 đến 1,2 m, phơi gác bếp thật khô. Gậy được chia làm bốn khấu, trong đó 3 phần được đục lỗ để xâu đồng xu vào giữa nhằm tạo ra âm thanh, phần còn lại nằm ở khúc thứ 2, không đục lỗ để người múa cầm nắm khi biểu diễn. Trong mỗi phần đục lỗ lại được chia làm 3, 4 dãy đồng xu, mỗi dãy có 2, 3 đồng xu hợp lại. Ở hai đầu gậy được buộc một chùm dây nhiều màu sắc. Hai chùm dây này chính là điểm nhấn để tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho người múa. Thoạt nhìn, có thể ai cũng nghĩ cây gậy rất đơn giản, nhưng để làm ra nó là cả một quá trình mà người Mông đã phải rất khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ và gửi gắm vào đó biết bao “hồn cốt” dân tộc.
Độc đáo tiết mục múa Sênh tiền của người Mông, xã Kiến Thiết.
Gọi là múa Xiên tiền chính vì chiếc gậy được “xiên” các đồng tiền với nhau. Khi múa, người múa vung gậy gõ nhẹ vào chân, vai hay cánh tay mình làm những đồng tiền phát ra tiếng kêu leng keng vui nhộn kết hợp với những động tác lên xuống, xoay người nhịp nhàng uyển chuyển. Có thể múa không cần nhạc hoặc đệm thêm nhạc bốc phù hợp. Âm thanh của gậy Sênh tiền phát ra vẫn nổi trội, đầy nhịp điệu. Trước đây, điệu múa Sênh tiền được người Mông biểu diễn trong các lễ cúng. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự giao lưu và phát triển của văn hóa ngày nay, điệu múa Sênh tiền đã được biểu diễn khai mạc trong các lễ hội đầu xuân, tuyển chọn dự thi liên hoan hay hội diễn văn hóa cấp tỉnh, huyện, xã. Múa Sênh tiền có nhiều bài, nhưng các bài đều từ 10 nhịp cơ bản mà phát triển ra. Khi múa, người múa cầm gậy Sênh tiền vừa múa, vừa di chuyển khiến các đồng xu tạo ra những âm thanh vui nhộn mà kỳ bí, góp phần cho các lễ hội thêm tưng bừng.
Chị Giàng Thị Về, dân tộc Mông, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết, người cùng biểu diễn điệu múa Sênh tiền cho rằng, cũng giống như khèn Mông, điệu múa Sênh tiền ẩn chứa những thế võ cổ truyền của người Mông. Đó là những động tác xoay người, đá chân mà thoạt nhìn, người xem có thể nghĩ đơn giản là múa. Vì thế xưa kia, những người biết múa gậy Sênh tiền đều là những người biết võ và có thể trở thành chiến binh khi cần thiết. Trong một đoàn diễu binh, những người múa gậy Sênh tiền luôn dẫn đầu, sau đó là đội múa khèn và lần lượt là các đội binh khí khác.
Bà Nông Thị Giang, công chức Văn hóa - Xã hội xã Kiến Thiết cho biết, huyện Yên Sơn có hơn 9.000 người Mông sống tập trung nhiều ở 8 xã, trong đó có xã Kiến Thiết. Nhằm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở, đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, xã đã lựa chọn những tiết mục xuất sắc nhất tham dự Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc Mông huyện Yên Sơn lần thứ nhất. Bất ngờ điệu múa cổ Sênh tiền của người Mông xã Kiến Thiết đã gây tiếng vang xa...
Gửi phản hồi
In bài viết