At4 Hướng dẫn học sinh tham quan Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín). Ảnh: Văn Công
Theo Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và Dịch vụ Hồng Vân Nguyễn Văn Tứ, hợp tác xã có 4 sản phẩm đều được xếp hạng sao OCOP 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm liên quan đến điểm dịch vụ, du lịch. Đây là một trong số ít điểm du lịch sinh thái của Hà Nội được xếp hạng sao OCOP. Ngoài làng nghề hoa, cây cảnh, Hồng Vân còn là mảnh đất cổ xưa, có bề dày trầm tích văn hóa gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Trong những năm qua, hệ thống dấu tích, như: Chợ mới Ông già, bãi tắm Nàng tiên hay Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý (thời nhà Nguyễn) được địa phương phục dựng và bảo tồn trên nền tảng khoa học và lịch sử.
Cùng với bề dày về văn hóa, những năm qua, xã Hồng Vân đã lựa chọn hướng đi riêng, đó là xây dựng làng quê sinh thái xanh gắn với du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Xã Hồng Vân đã đầu tư nâng cấp đường thôn, xóm thành những làn đường rộng và kết nối các thôn, xóm với nhau. Cùng với hệ thống giao thông, chính quyền và người dân Hồng Vân còn trồng cây xanh, xây dựng những vườn hoa, ao hồ, hệ thống nhà vườn, cây cảnh... Hằng tuần, các tổ chức, đoàn thể đều ra quân thực hiện dọn vệ sinh công cộng thông qua phong trào chủ nhật xanh, phong trào "5 không 3 sạch", tuyến đường nở hoa...
Đến nay, Hồng Vân đã xây dựng được hơn 30 con đường hoa mang những màu sắc khác nhau, như: Hoa bằng lăng, phượng vĩ, hoàng yến, hoa ban... Đặc biệt, đến với Hồng Vân, ngoài trải nghiệm, tham quan những mô hình nông nghiệp, du khách còn được chiêm ngưỡng những vườn cây cảnh của các nghệ nhân, thợ giỏi, có khả năng chế tác những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai, đồ đá mỹ nghệ…
Đánh giá về điểm du lịch sinh thái Hồng Vân, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho rằng, Thường Tín là địa phương thứ hai của thành phố có sản phẩm tham gia OCOP về du lịch là xã Hồng Vân. Các điểm du lịch ở Hồng Vân vừa đẹp, vừa giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Phát huy thế mạnh của địa phương, xã Hồng Vân đã chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Giờ đây, xã Hồng Vân không chỉ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, mà còn góp phần lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Cuối năm 2022, điểm dịch vụ, du lịch ở Hồng Vân được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, thuộc nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Từ khi được công nhận là điểm du lịch, Hồng Vân đã đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng chia sẻ, được xếp hạng 4 sao OCOP, Hồng Vân sẽ phát huy tối đa nguồn lực từ du lịch, bởi đây là địa chỉ được định danh rõ ràng trong hành trình du lịch khi du khách đến Thủ đô. Trong thời gian tới, Hồng Vân sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư vào phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ… Phấn đấu đến năm 2025, xã Hồng Vân trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách; đưa kinh tế thương mại - du lịch - dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, huyện tiếp tục hỗ trợ Hồng Vân khai thác thế mạnh từ thiên nhiên, văn hóa, lịch sử. Trong tương lai, Hồng Vân không chỉ là điểm du lịch sinh thái, mà còn là điểm du lịch tâm linh, gắn với các chuỗi du lịch của huyện.
Gửi phản hồi
In bài viết