Tour đêm đền Ngọc Sơn là một trong những sản phẩm du lịch ấn tượng của Thủ đô Hà Nội.
Trong nhiệm kỳ công tác 2021-2025, ngành du lịch là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Dịch bệnh khiến ngành du lịch gần như bị “đóng băng”.
Từ chỗ đón gần 29 triệu lượt khách trong năm 2019, nhưng cả năm 2021, toàn thành phố chỉ đón 4 triệu lượt khách trong nước, không có khách quốc tế.
Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch Thủ đô đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đón khách để khi dịch bệnh kết thúc, du lịch Thủ đô bước vào giai đoạn “bùng nổ”.
Hoạt động nổi bật nhất trong triển khai các nhiệm vụ của Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025 của ngành du lịch là xây dựng những sản phẩm du lịch đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho khách, nhất là các hoạt động du lịch đêm.
Tính đến thời điểm này, Hà Nội có gần 20 sản phẩm du lịch đêm các loại. Nhiều tour có sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng, được các hãng lữ hành đưa vào chương trình khai thác.
Điển hình như: Tour Du lịch Đêm Thiêng liêng của di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học”, tour du lịch đêm tại đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm với chủ đề “Ngọc Sơn - đêm huyền bí”; tour du lịch văn học chữ Tâm, chữ Tài (Bảo tàng văn học)... Nhiều tour thường xuyên hết vé sớm, tạo được ấn tượng sâu đậm đối với khách du lịch.
Một điểm nhấn khác trong phát triển sản phẩm du lịch là hình thành những tuyến du lịch văn hóa - làng nghề tại khu vực ngoại thành.
Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì, phối hợp các địa phương xây dựng và hình thành 2 tuyến du lịch văn hóa-làng nghề đặc sắc, hấp dẫn, khai thác nét văn hóa đặc sắc khu vực phía nam Hà Nội bao gồm: Trung tâm Hà Nội-Thanh Trì-Thường Tín-Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội-Thanh Oai-Ứng Hòa-Mỹ Đức với chủ đề ”Con đường di sản Nam Thăng Long-Hà Nội”.
Sở Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì xây dựng và hình thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bản Miền tại xã Ba Vì, qua đó, khai thác nét đẹp văn hóa, tri thức của đồng bào dân tộc Dao vào phát triển du lịch, đem lại thu nhập cho bà con.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cùng các đơn vị cũng tích cực làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai tuyến đi bộ chung quanh Thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang-Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng…
Nhiệm kỳ công tác 2021-2025 cũng đánh dấu những đổi mới trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, với nhiều sự kiện văn hóa-du lịch trở thành thường niên và tạo ấn tượng tốt với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ngành Du lịch triển khai thành công các chương trình, lễ hội quảng bá, xúc tiến du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp thường niên với nhiều nội dung đặc sắc như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2023, 2024 (Get on Hanoi 2023, 2024); Chương trình Du xuân hữu nghị; Chương trình Lễ hội Quà tặng Du lịch; Chương trình Lễ hội Áo dài Du lịch…
Trong đó, Lễ hội Áo dài Du lịch trở thành sự kiện lớn, với hàng chục nghìn người tham gia mỗi mùa tổ chức.
Ngành du lịch đã đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, trang Web, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok,…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.
Ngoài ra, ngành du lịch Thủ đô còn đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ các địa phương nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ cho du lịch cộng đồng.
Từ chỗ đón 4 triệu khách trong năm 2021, du lịch Thủ đô dự kiến đón 30 triệu khách trong năm 2025, vượt lượng khách trước đại dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Đặc biệt, Hà Nội nhận được nhiều giải thưởng du lịch quốc tế quan trọng, mới đây nhất là ba giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á và Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới. Đây là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn nữa để nâng cao vị thế của du lịch Thủ đô”.
Gửi phản hồi
In bài viết