Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm

Gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đem đến cho nước ta những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo thế và đà để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, kém hiệu quả, điều này đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt “cuộc cách mạng” nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên lề phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV, ngày 13-2-2025_Nguồn: dantri.com.vn

Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ đột phá chiến lược đưa đất nước phát triển toàn diện

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực tiễn công cuộc đổi mới những năm qua cho thấy, hệ thống chính trị nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Có thể khẳng định, việc không ngừng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn trong suốt chặng đường gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới vừa qua.

Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong những nội dung trọng tâm của quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Nghị quyết số 06-NQ/HNTW, ngày 29-3-1989, Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, về kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới và các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương”(1). 

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được sắp xếp, tinh gọn và đạt được một số kết quả nổi bật. Về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính nhà nước: Đối với tổ chức hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ: đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 10 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, cơ bản giảm phòng trong vụ (không tính Bộ Công an và Bộ Quốc phòng). Đối với địa phương: đã giảm được 13 sở và tương đương, giảm 2.590 phòng và tương đương thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Về đơn vị sự nghiệp công lập: đến hết năm 2023 còn 46.540 đơn vị (giảm 8.149 đơn vị, tương ứng 15,13%). Về sắp xếp đơn vị hành chính: giai đoạn 2019 - 2021 có 45/45 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã; giai đoạn 2023 - 2025, có 51/51 tỉnh, thành phố thuộc diện sắp xếp, đã thực hiện giảm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 563 đơn vị hành chính cấp xã.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tiễn cho thấy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ và tổng thể. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đầu mối; phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn vẫn còn trùng lắp, chồng chéo; phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, thiếu hợp lý; việc sắp xếp chưa thực sự gắn với xác định vị trí việc làm, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hạn chế, bất cập đó đã kìm hãm sự phát triển, giảm tính chủ động, sáng tạo, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của đất nước.

Trước tình hình đó, Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, trong đó nhấn mạnh cần khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng, tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh… Định hướng của đồng chí Tổng Bí thư vô cùng đúng đắn, tạo nên thay đổi về chất mang tính đột phá nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ_Ảnh: TTXVN

Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”

Quan điểm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” do Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra đã trở thành kim chỉ nam quan trọng cho công cuộc đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị. Để bảo đảm thực hiện quan điểm chỉ đạo đúng đắn đó, trong thời gian tới, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cần tập trung đổi mới nội dung cụ thể sau: 

Một là, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, ít tầng cấp, ít đầu mối, không trùng lắp, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện rà soát, tổ chức lại đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp, loại bỏ tầng nấc trung gian. Dự kiến tổ chức bộ máy Chính phủ khóa XV và khóa XVI (nhiệm kỳ 2026 - 2031) được tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 4 bộ và 1 cơ quan ngang bộ); có 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan thuộc Chính phủ). Đồng thời, giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; dự kiến giảm 450 cục thuộc bộ, thuộc tổng cục và tương đương; 214 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và thuộc tổng cục; 2.668 chi cục thuộc tổng cục, cục thuộc bộ; giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, cơ quan ngang bộ.

Bên cạnh việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, cần quy định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, bảo đảm “một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ”, tránh tình trạng lạm quyền hoặc trốn tránh trách nhiệm. Xác định đúng chức năng, nhiệm vụ sẽ là cơ sở, điều kiện để xác định đúng cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế, nguồn lực và chi phí hoạt động, từ đó bảo đảm hiệu năng, hiệu quả hoạt động, nguồn lực sẽ được phân bổ tối ưu, chính sách sẽ được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả thực chất hơn.

Hai là, xây dựng cơ chế vận hành của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị bảo đảm thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu quả. Các mối quan hệ ngang, dọc giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, mối quan hệ lãnh đạo, quản lý giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cá nhân người đứng đầu và tập thể, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp,... phải được xác định hợp lý, ăn khớp, đồng bộ, nhịp nhàng. Chú trọng chuyển đổi quy trình nội bộ cũng như mối quan hệ giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong bộ máy trên cơ sở ứng dụng công nghệ số. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số sẽ giúp thay đổi cơ bản cách thức quản lý, giúp cơ quan, tổ chức phản ứng nhanh với tình huống khẩn cấp, tăng cường mối quan hệ tương tác giữa chính quyền với người dân.

Ba là, tăng cường, đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương theo hướng bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Phân cấp, phân quyền phải rành mạch, rõ việc, rõ địa chỉ, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm. Phân định nhiệm vụ phải gắn với thẩm quyền và trách nhiệm tương ứng, phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, vùng núi, hải đảo và với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện cần thiết về nguồn lực tài chính - ngân sách, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhưng phải gắn với cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, thực tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn không đơn thuần là cắt giảm số lượng, mà còn phải chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc cũng như có đầy đủ phẩm chất đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm. Cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cũng như phải thực sự cầu thị, sẵn sàng học hỏi, tiếp thu kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm mới để có thể nâng cao chất lượng, kết quả thực thi nhiệm vụ, công vụ trong môi trường có nhiều thay đổi như hiện nay. 

Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy đòi hỏi phải xác định biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh, xây dựng cơ chế đánh giá minh bạch, khoa học, dựa trên kết quả công việc cụ thể nhằm khích lệ người làm việc tốt, đồng thời loại bỏ cá nhân không đáp ứng yêu cầu, qua đó nâng cao hiệu suất công việc. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu xây dựng thể chế, chính sách có năng lực chuyên môn cao, có tầm nhìn và khả năng dự báo. Có cơ chế, chính sách hợp lý, đủ mạnh để thu hút, trọng dụng người có tài năng và có phẩm chất đạo đức tốt vào làm việc cho cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị. 

Năm là, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phải bảo đảm thu hút, mở rộng sự tham gia và vai trò giám sát của người dân; tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết với nhân dân, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân.

Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị phục vụ cho lợi ích của nhân dân và dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh… Củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(2). Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đặt quyền lợi của người dân vào trung tâm các quyết sách, đường lối của mình với mục đích cuối cùng là người dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, cần thu hút được sự tham gia và giám sát rộng rãi, thực chất, cụ thể của người dân trong hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, thể chế, chiến lược phát triển của đất nước cũng như của cả hệ thống chính trị, bảo đảm tính thực tiễn, tính khả thi, không quan liêu, mang lại lợi ích thiết thực và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và cả hệ thống chính trị.

Giải pháp thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm, cần chú trọng thực hiện tốt các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, nghiêm túc quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6  khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Những tư tưởng chỉ đạo trên phải được quán triệt đầy đủ, sâu rộng trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội. Việc triển khai thực hiện phải luôn bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ Đảng và các văn kiện của Đảng trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong hệ thống Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về mô hình tổ chức bộ máy mới. Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức. Chính vì vậy, cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đồng thời, đề cao, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu như Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu: Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu,… nhằm bảo đảm sự đoàn kết, quyết tâm cao, vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật nhằm bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị trong thực tiễn. Rà soát toàn bộ hệ thống quy định, văn bản liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản phát triển; huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Theo dõi, bám sát việc triển khai thực hiện thể chế, pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động của cơ quan, tổ chức được xây dựng theo mô hình tổ chức bộ máy mới, đánh giá kết quả hoạt động, từ đó có giải pháp điều chỉnh kịp thời, khắc phục hạn chế, bất cập để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Thứ tư, sắp xếp tổ chức bộ máy chắc chắn sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, do đó, phải thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng. Cơ chế, chính sách phải bảo đảm tính công bằng, hài hòa trong tổng tương quan chung giữa các đối tượng nhằm ổn định cuộc sống, quyền và lợi ích để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Việc xây dựng chính sách phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ, đồng thời không để chảy máu chất xám, bảo đảm duy trì và giữ chân cán bộ, công chức, viên chức tốt, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng, chống việc lợi dụng chủ trương sắp xếp bộ máy để tiêu cực, tham nhũng. Xử lý nghiêm, kịp thời trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cơ quan, tổ chức. Phát huy và tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia công tác giám sát, kiểm tra việc xây dựng mô hình tổ chức bộ máy mới.

Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quyết định lựa chọn thời điểm có ý nghĩa lịch sử để tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, đó là thời điểm chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng với quyết sách lớn cho đất nước, chuẩn bị chào mừng 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là thời điểm cấp thiết và cấp bách hơn bao giờ hết để đất nước ta phát triển phù hợp với sự thay đổi của thời đại, bước vào kỷ nguyên mới với vị thế và tầm vóc mới trên trường quốc tế.

Đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị không chỉ là cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn là cuộc cách mạng thay đổi tư duy với tầm nhìn và nhận thức mới. Chính bởi vậy, đây cũng là cuộc cách mạng đầy khó khăn, thách thức, phức tạp, cam go và có cả sự cản trở, đòi hỏi bản lĩnh, ý chí, trí tuệ, đoàn kết, thống nhất, sự dấn thân, dũng cảm và hy sinh của mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng như của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu trong hệ thống chính trị để việc triển khai được tiến hành nhanh, tích cực và hiệu quả. Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm mạnh mẽ, chắc chắn công cuộc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” sẽ thành công, góp phần vì một đất nước Việt Nam hùng cường, nhân dân Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc…/.

PHẠM THỊ THANH TRÀ

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ

-----------------------

(1) Xem: Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-18-nqtw-ngay-25102017-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-mot-so-van-de-ve-tiep-568
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 199 - 200

Theo Tạp chí Cộng sản Điện tử

Tin cùng chuyên mục