Những quyển sách bằng chữ Nho được ông Tiến giữ gìn cẩn thận.
Say mê điệu hát Sình ca
Ông Tiến chia sẻ, gia đình ông có 6 đời làm thầy, nên 9 tuổi ông đã được học chữ Nho, được theo bố đi làm lễ. Từ nhỏ ông đã yêu điệu hát Sình ca của dân tộc Cao Lan, sau này ông đã dày công sưu tầm những bài hát Sình ca từ chữ Nho rồi dịch ra tiếng phổ thông để mọi người có thể học và hát theo. Ông kể, ngày xưa, trai gái trong làng có thể hát thâu đêm, những lời hát đối đáp cứ dài mãi. Nhờ Sình ca, nhiều chàng trai, cô gái đã bén duyên nên vợ nên chồng. Điệu hát cũng không thể thiếu trong những ngày lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Cao Lan như: Lễ cấp sắc, lễ cưới…
Năm 1990, khi làm Đội trưởng Đội văn nghệ của xã, ông cùng các thành viên trong đội đã duy trì luyện tập, đi hát, múa giao lưu, biểu diễn trong và ngoài xã để phục vụ nhu cầu văn hoá, văn nghệ của người dân. Ngoài hát Sình ca, những điệu múa truyền thống của dân tộc như: Múa xúc tép, múa kiếm, chim Gâu, khai đèn… được đội văn nghệ tập luyện nhuần nhuyễn, biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc ở địa phương.
Chiếc mũ thêu tinh xảo, được ông Tiến sử dụng trong biểu diễn một số điệu múa của dân tộc Cao Lan.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Sau này, khi phong trào văn hoá, văn nghệ ở địa phương không còn được duy trì như trước, với suy nghĩ “không thể để văn hoá dân tộc bị mai một”, năm 2000 ông đã thành lập Đội văn nghệ gia đình Cao Lan gồm 7 thành viên (con gái, 2 con trai, con dâu, hai cháu và ông làm Đội trưởng). Ông đã hướng dẫn các con, các cháu tập luyện thường xuyên các bài hát, điệu múa của dân tộc. Vì vậy, nhiều năm liền đội được xã chọn đi tham gia giao lưu, biểu diễn văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh và đoạt giải cao.
Các thành viên trong Đội văn nghệ gia đình ông Tiến.
Tiêu biểu, năm 2008, Đội văn nghệ đoạt giải Xuất sắc với tiết mục Múa xúc tép và năm 2009 đoạt giải A tiết mục múa Lễ khai nhạc tại Liên hoan các nhà văn hoá tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang. Năm 2010 đoạt giải Xuất sắc với tiết mục Múa lễ tơ hồng tại Liên hoan các CLB đàn hát dân ca và gia đình văn nghệ tỉnh Tuyên Quang…
Đặc biệt, các nhạc cụ được sử dụng trong các điệu múa của dân tộc như: Trống sành, chiêng, chuông… được ông sắm đầy đủ để tập luyện và biểu diễn. Trong gia đình, các con, các cháu ông đều có đủ trang phục dân tộc Cao Lan để mặc những ngày lễ Tết. Bà Trịnh Thị Yên, vợ ông Tiến chia sẻ, không tham gia Đội văn nghệ nhưng bà luôn hết lòng ủng hộ chồng và các con, các cháu tập luyện, biểu diễn. Bà rất vui và hạnh phúc khi các con, cháu đều biết yêu và say mê với văn hoá dân tộc.
Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình, ông Tiến vẫn luôn tâm huyết trao truyền lại cho các con, các cháu những điệu hát, điệu múa của đồng bào Cao Lan. Với ông đó là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất bởi nhờ đó bản sắc văn hoá dân tộc luôn được gìn giữ và phát huy.
Gửi phản hồi
In bài viết