Tượng đồng chí Hoàng Đình Giong tại Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong được xây dựng tại xóm Nà Toàn,
phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng.
Đồng chí Hoàng Đình Giong còn có các bí danh khác như: Hoàng, Lầu Voòng, Trần Tin, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, Cụ Vũ. Ông là người dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng. Từ khi còn nhỏ, Hoàng Đình Giong là một học sinh thông minh, học giỏi, sớm có tinh thần yêu nước, ghét thực dân đế quốc. Những năm 1923 - 1924, đồng chí đã tuyên truyền tinh thần yêu nước trong học sinh các trường tiểu học ở thị xã Cao Bằng, huyện Hòa An và Hà Quảng. Cuối năm 1925 đến đầu năm 1926, đồng chí Hoàng Đình Giong học ở Trường Bách nghệ ở Hà Nội và đã tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau một thời gian hoạt động ở Hà Nội, đồng chí trở về Cao Bằng, vận động một số thanh niên và học sinh ở châu Hòa An vào Hội Thanh niên yêu nước.
Năm 1927 - 1929, đồng chí Hoàng Đình Giong bí mật sang Long Châu (Trung Quốc) và cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, mở các lớp huấn luyện, truyền bá tư tưởng cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá về nước; được trở thành người đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Đình Giong, các cơ sở Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng ở Cao Bằng tiếp tục phát triển mạnh. Từ một chi bộ Đảng năm 1930, đến năm 1935 đã có 10 chi bộ hoạt động ở 5 huyện: Hoà An, Hà Quảng, Quảng Uyên, Thạch An, Nguyên Bình và mỏ thiếc Tĩnh Túc với trên 70 đảng viên. Năm 1932, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo Đảng bộ Cao Bằng xuất bản tờ báo "Cờ đỏ" để tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng.
Tháng 8/1945, thực hiện Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Đảng bộ Cao Bằng cử ra Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong làm trưởng ban, tổ chức lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng giành chính quyền cách mạng từ ngày 20 - 22/8/1945. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã được phân công nhiều nhiệm vụ, vị trí quan trọng. Đến tháng 5/1947, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu ác liệt tại QK7 (Ninh Thuận).
Đồng chí Hoàng Đình Giong là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hoạt động và cống hiến của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đã thể hiện phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, trải qua nhiều thử thách, hiểm nguy vẫn luôn trung thành, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng.
Ghi nhận những cống hiến và công lao đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, năm 1998, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh; được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, công nhận là 1 trong các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 119 năm ngày sinh của đồng chí Hoàng Đình Giong, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Cao Bằng nguyện đoàn kết, không ngừng học tập, rèn luyện theo gương của các vị tiền bối, nỗ lực vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương cách mạng Cao Bằng phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết