Đồng chí liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Đình Giong sinh ngày 1/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám, Thành phố) trong một dòng họ giàu truyền thống khoa bảng và yêu nước. Từ khi còn đi học, chứng kiến cuộc sống cơ cực, thống khổ của người dân Việt Nam dưới ách cai trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, với lòng căm thù giặc sâu sắc, Hoàng Đình Giong viết nhiều bài luận bộc lộ tư tưởng yêu nước, chống giặc ngoại xâm, do vậy anh sớm bị mật thám Pháp theo dõi.
Đoàn đại biểu tỉnh tri ân đồng chí Hoàng Đình Giong tại Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, làng Nà Toàn,
phường Đề Thám (Thành phố).
Đến tháng 3/1926, khi là học sinh Trường Bách Nghệ (Hà Nội), Hoàng Đình Giong tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh, sinh viên đòi tổ chức lễ tang và lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Phong trào bị đàn áp, Hoàng Đình Giong cùng một số học sinh khác bị đuổi học và phải trở về Cao Bằng. Từ đây, anh mang nhiệt huyết của mình để tuyên truyền lòng yêu nước, căm thù giặc trong học sinh tại Hòa An và thị xã Cao Bằng, đồng thời tìm cách bắt liên lạc với những thanh niên yêu nước tiến bộ và quyết định sang Trung Quốc, liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tham dự lớp huấn luyện chính trị do Hội tổ chức cuối năm 1927.
Tháng 6/1928, Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của đồng chí khi lựa chọn đi theo con đường của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 12/1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập chi bộ ở Long Châu (Trung Quốc). Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào mùa Xuân năm 1930, đồng chí Hoàng Đình Giong trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và là đảng viên đầu tiên của tỉnh Cao Bằng. Ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập. Đồng chí Hoàng Đình Giong với vai trò tiên phong, lãnh đạo đã xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng với phong trào cách mạng trong nước. Năm 1935, đồng chí là trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao (Trung Quốc). Đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (khóa I), phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.
Cuối năm 1935, đồng chí trở về nước và tổ chức chỉ đạo phong trào công nhân tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Tháng 2/1936 bị thực dân Pháp bắt giam, cầm tù và chịu nhiều cực hình tra tấn tại các nhà tù Cao Bằng, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Bắc Mê (Hà Giang) và bị đày đi biệt xứ tại đảo Ma-đa-ga-xca (châu Phi). Năm 1944, lợi dụng danh nghĩa đồng minh chống phát xít, đồng chí được không quân Anh chở về nước và cho nhảy dù xuống Bản Ngần, xã Vĩnh Quang (Hòa An).
Tháng 10/1944, đồng chí Hoàng Đình Giong lúc này có tên mới là Văn Tư, được Trung ương Đảng phân công cùng Tỉnh ủy Cao Bằng xây dựng, tổ chức lực lượng vũ trang, tập hợp quần chúng dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng chí hăng hái bắt tay vào nhiệm vụ mới, nhanh chóng xây dựng, tổ chức lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh dựa trên sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức chính trị, các đoàn thể quần chúng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí cùng Ban Tỉnh ủy Cao Bằng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa thành lập chính quyền cách mạng trước khi quân Nhật vào.
Ngày 13/8/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Đảng bộ Cao Bằng họp và cử ra Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Trưởng ban. Được tin quân Tưởng đang tràn vào nước ta với danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật, hòng âm mưu chiếm đóng thị xã Cao Bằng, đồng chí quyết định tập trung lực lượng, khẩn trương giành chính quyền tại thị xã Cao Bằng. Ngày 21/8/1945, đồng chí chỉ huy một đơn vị giải phóng quân tiến vào thị xã Cao Bằng. Ngày 22/8/1945, thị xã Cao Bằng được giải phóng, chính quyền về tay nhân dân. Thế và lực của cách mạng nhờ đó chuyển biến theo hướng thuận lợi hơn.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tháng 10/1945, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành Võ Văn Đức. Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng bộ đội Nam tiến vào miền Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang trong những ngày đầu chống Pháp, ngày 23/11/1945, Hội nghị Quân sự Nam Bộ cử đồng chí Võ Văn Đức (đồng bào Nam Bộ thường gọi là Vũ Đức) làm Chính ủy Quân giải phóng Nam Bộ. Tháng 12/1945, Xứ ủy Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ thành 3 chiến khu, đồng chí Vũ Đức được phân công làm Khu bộ trưởng Khu 9 và cùng một đơn vị tiếp tục Nam tiến đến Cà Mau. Lúc này, tình hình Nam Bộ gặp rất nhiều khó khăn. Quân Pháp trở lại chiếm đóng nhiều nơi ở miền Trung và Tây Nam Bộ. Đồng chí chủ trương tạm thời rút các đơn vị chủ lực về Cà Mau để củng cố tổ chức. Chỉ trong một thời gian ngắn, chiến tranh nhân dân ở miền Tây Nam Bộ phát triển mạnh mẽ, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.
Đầu năm 1946, quân địch dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền chia rẽ gây hận thù dân tộc, tôn giáo, kích động người Khmer chống lại người Việt, kích động tín đồ Cao Đài, Hòa Hảo chống lại cách mạng. Trước tình hình phức tạp đó, đồng chí đi thực tế tại một số địa phương ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Phước Long, hòa giải được nhiều mâu thuẫn, xung đột, tăng cường giáo dục đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng trong cộng đồng người Khmer và người Việt, để bà con hiểu và không mắc mưu của kẻ thù.
Cuối tháng 11/1946, Trung ương điều đồng chí ra Bắc. Khi đồng chí đến Khu 6 thì nhận được quyết định của Trung ương phân công ở lại làm Khu bộ trưởng Khu 6, trực tiếp chỉ huy các đơn vị chủ lực ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Đồng chí anh dũng hy sinh tại mặt trận Ninh Thuận năm 1947. Dù ở cương vị nào, từ Chỉ huy Bộ đội Nam tiến, Chính ủy Giải phóng quân Nam Bộ, Khu bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 9, Khu 6, với bản lĩnh, trí tuệ sáng suốt, đồng chí Hoàng Đình Giong đều đề ra những chủ trương đấu tranh đúng đắn trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao…, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, cùng với quân dân Nam Bộ đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.
Cuộc đời 43 năm của đồng chí tuy không dài nhưng đầy chiến công và tự hào. Đồng chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo xuất sắc, một chỉ huy quân sự giàu bản lĩnh và kinh nghiệm, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã dựng Tượng đài, xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí tại làng Nà Toàn, phường Đề Thám (Thành phố). Trường Đảng của tỉnh Cao Bằng và một đường phố tại trung tâm thành phố Cao Bằng được đặt tên của đồng chí. Tại mặt trận Tân Hưng - Cà Mau là chiến trường ác liệt gắn liền với tên tuổi của Khu Bộ trưởng Vũ Đức cũng xây dựng bia tưởng niệm; tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Cà Mau dành một trong những đường phố to đẹp mang tên Hoàng Đình Giong.
Ghi nhận những đóng góp và cống hiến của đồng chí Hoàng Đình Giong, năm 1998, Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho đồng chí; đến năm 2009, đồng chí được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2018, tại phiên họp ngày 7/11/2018, Bộ Chính trị khóa XII công nhận bổ sung đồng chí Hoàng Đình Giong vào danh sách các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Hoàng Đình Giong mang hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí trở thành tấm gương sáng về ý chí cách mạng, lòng trung thành, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì tương lai tươi sáng của cách mạng cho các thế hệ mai sau học tập, noi theo.
Gửi phản hồi
In bài viết