Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân tại ấp Bình Tả, xã Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng từ người anh trai - nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu Võ Văn Tần, người thanh niên yêu nước Võ Văn Ngân đã sớm giác ngộ, dấn thân, tích cực tham gia đấu tranh chống ách áp bức, nô dịch của thực dân Pháp và tay sai, để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Trọn cuộc đời mình, đồng chí đã nêu tấm gương tận trung với Đảng và cách mạng, tận hiếu với nhân dân, cống hiến trọn đời vì lý tưởng cộng sản, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đồng chí Võ Văn Ngân - Người chiến sĩ cách mạng tiên phong, đảng viên lớp thế hệ đầu tiên của Đảng
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước mất, nhà tan dưới ách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, đồng chí Võ Văn Ngân đã sớm hình thành ý chí cứu nước, cứu dân. Đầu năm 1926, đồng chí tham gia hoạt động yêu nước trong tổ chức Thanh niên Cao vọng Đảng của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng chí Võ Văn Ngân đã tích cực hoạt động, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tổ chức này ở Đức Hòa.
Nhận thấy tôn chỉ, mục đích của tổ chức Thanh niên Cao vọng Đảng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân lao động và khát vọng của lớp thanh niên yêu nước lúc bấy giờ, cuối năm 1926, đồng chí Võ Văn Ngân đã tìm hiểu và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Chợ Lớn. Với tinh thần yêu nước và nhiệt huyết cách mạng của tuổi trẻ, đồng chí đã tích cực tuyên truyền tôn chỉ, mục đích của Hội, vận động quần chúng, nhất là thanh niên tham gia Hội, phát triển tổ chức Hội Thanh niên cách mạng trong quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn.
Sự tham gia của đồng chí Võ Văn Ngân trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã thể hiện vai trò tiên phong và ý thức trách nhiệm của người thanh niên yêu nước nhiệt thành trước vận mệnh của đất nước, của dân tộc; là minh chứng sinh động về bước phát triển tất yếu của quá trình tự nhận thức, giác ngộ, để lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn của lớp thanh niên Việt Nam yêu nước mang khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động khỏi cơ cực, lầm than.
Sự tham gia và hoạt động tích cực của đồng chí đã góp phần cổ vũ, lôi cuốn các tầng lớp học sinh, thanh niên trí thức và đồng bào tham gia hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Các hoạt động của đồng chí không chỉ đóng góp quan trọng vào việc hình thành những cơ sở đầu tiên của An Nam Cộng sản Đảng ở quê hương Đức Hòa (cuối năm 1929), mà còn góp phần phát triển tổ chức đảng trên toàn tỉnh Chợ Lớn.
Sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930, đồng chí Võ Văn Ngân đã tích cực tham gia vào tiến trình chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Đức Hòa trở thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn.
Trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam lớp đầu tiên, đồng chí không ngừng phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên định con đường đấu tranh vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo tư tưởng, con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đồng chí Võ Văn Ngân - Người cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng
Từ một thanh niên yêu nước chân chính đầy nhiệt huyết, đồng chí Võ Văn Ngân đã đến với lý tưởng cộng sản và trở thành người đảng viên kiên trung, mẫu mực. Với những hoạt động tích cực, bám sát cơ sở và phong trào quần chúng, đồng chí đã góp phần quan trọng khôi phục, củng cố tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Đức Hòa và sau đó mở rộng ra toàn Chợ Lớn, Gia Định, các tỉnh Nam Kỳ và trở thành cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Xứ ủy Nam Kỳ.
Trên cương vị Quận ủy viên Đức Hòa, ngày 4/6/1930, đồng chí Võ Văn Ngân cùng với các đồng chí lãnh đạo Quận ủy đã trực tiếp tổ chức cuộc đấu tranh của nông dân Đức Hòa đòi giảm sưu, giảm thuế, phản đối đưa lính về đàn áp. Đây là cuộc đấu tranh lớn nhất của nông dân Đức Hòa, có tiếng vang rộng khắp các tỉnh Nam Kỳ trong cao trào cách mạng 1930-1931.
Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (1931-1932), trước sự khủng bố, đàn áp tàn bạo của địch, tổ chức Đảng từ Tỉnh ủy xuống cơ sở đều bị địch đánh phá, nhiều nơi chỉ còn đảng viên hoạt động đơn tuyến, đồng chí Võ Văn Ngân đã linh hoạt chuyển địa bàn hoạt động từ quận Đức Hòa (tỉnh Chợ Lớn) đến Xuân Thới Thượng, Tân Thới Nhất (tỉnh Gia Định), từng bước gây dựng lại cơ sở Đảng, phát triển tổ chức quần chúng ở các địa phương.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào đấu tranh của nhân dân Gia Định ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tiêu biểu là các cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của hơn 1.400 nông dân Hóc Môn và nông dân Tân Thới Nhất, Bà Điểm (ngày 18/4/1932); cuộc bãi công, đình công của công nhân xe kéo Gia Định kết hợp với công nhân nhà in Sài Gòn, công nhân lò sát sinh Chợ Lớn (ngày 21/4/1932).
Những cuộc đấu tranh trên đã cùng với các cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn, đánh dấu sự phục hồi phong trào đấu tranh của nhân dân trên địa bàn Nam Kỳ sau một thời gian bị tạm lắng.
Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (1932-1935), đồng chí thường xuyên sâu sát cơ sở, địa bàn để tuyên truyền, vận động nhân dân, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, trung kiên, phát triển đảng viên mới. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân, tiểu thương, học sinh..., đòi các quyền lợi hằng ngày như: giảm lương, sa thải thợ, thuế cao, đòi chia lúa gạo... đã buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ.
Đặc biệt nắm chắc tình hình chính trị lúc này, đồng chí đã linh hoạt tổ chức các cuộc đấu tranh bằng hình thức công khai hợp pháp thông qua báo chí, chống chủ nghĩa cải lương "Việt-Pháp đề huề", tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tăng cường ảnh hưởng của Đảng trong nhân dân.
Là đại biểu chính thức Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3/1935), đồng chí Võ Văn Ngân đã tích cực tham gia nghiên cứu hoạch định đường lối, chính sách của Đảng trong tình hình mới và chuẩn bị bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng vào lúc gặp muôn vàn khó khăn.
Đồng chí đã thẳng thắn tự phê bình về các khuyết điểm, hạn chế và phê phán việc nhìn nhận, đánh giá thấp ý nghĩa của Chương trình hành động của Đảng trước Đại hội. Tại Đại hội, đồng chí đã được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đảm nhiệm cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (1935-1937), đồng chí đã có nhiều hoạt động, đóng góp to lớn đối với Đảng và phong trào cách mạng Nam Kỳ, tiêu biểu là: Lãnh đạo xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng ở các địa phương trong toàn Xứ để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới; chỉ đạo hoạt động của tổ chức Đảng trong các nhà tù đế quốc; lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân phát triển lên một bước mới, cả về số lượng và chất lượng; lãnh đạo, tổ chức cuộc vận động Đông Dương Đại hội ở Nam Kỳ với nhiều hình thức sáng tạo; tổ chức đưa một số đảng viên cộng sản tham gia tranh cử vào Hội đồng quản hạt thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn, tổ chức quần chúng đoàn kết đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ, dân sinh và cải thiện đời sống...
Đồng chí Võ Văn Ngân đã có những đóng góp rất quan trọng vào sự thành công của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) (tháng 3/1937) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 9/1937), từ việc khảo sát kỹ lưỡng, chu đáo địa bàn, cơ sở quần chúng trung kiên đến tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận sơ bộ chuẩn bị cho hội nghị toàn thể, bảo đảm cho các hội nghị diễn ra an toàn, thuận lợi và thành công.
Những cống hiến nhiệt huyết của đồng chí Võ Văn Ngân trong điều kiện lịch sử đầy cam go của cách mạng đã cho thấy bản lĩnh kiên cường, trí tuệ sắc sảo, phương pháp cách mạng sâu sát thực tiễn của đồng chí, không chỉ đưa đến những kết quả to lớn, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng Nam Kỳ tiến lên, mà còn để lại những kinh nghiệm có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc cho Đảng và cách mạng nước ta.
Đồng chí Võ Văn Ngân - Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Ngân gắn liền với những trang sử vẻ vang, oanh liệt của cách mạng Việt Nam thời dựng Đảng. Đó là biểu tượng cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản, ý chí và tinh thần cách mạng kiên cường, đấu tranh cho mục tiêu độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, nêu một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời để cán bộ, đảng viên học tập noi theo.
Với tinh thần yêu nước nhiệt thành, đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dấn thân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Từ khi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930) đến khi qua đời vì bạo bệnh (1938), dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm, luôn chủ động, sâu sát tình hình, linh hoạt, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, đồng chí đã luôn có ý thức giác ngộ, cảm hóa, nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tổ chức xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở Đảng; không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất, năng lực công tác; thể hiện niềm tin tuyệt đối và sự trung thành vô hạn với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; kiên cường phấn đấu, đi tiên phong trong hoạt động cách mạng, không chùn bước trước mọi gian nan, thử thách.
Đồng chí đã hội đủ những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, một nhân cách đạo đức mẫu mực, tiêu biểu cho phẩm chất con người và vùng đất phương Nam: Yêu nước, khảng khái, trọng nghĩa, kiên cường, trung thành, khiêm tốn, thủy chung, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng... Khi bệnh tình ngày càng nặng, sức khỏe giảm sút, đồng chí vẫn theo dõi sát tình hình, không ngừng quan tâm, đóng góp ý kiến cho Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
36 tuổi đời, cống hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ cho Đảng và phong trào cách mạng, đồng chí đã nêu tấm gương sáng của người đảng viên cộng sản, một nhà lãnh đạo tận tụy, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đồng chí Võ Văn Ngân - Người con ưu tú của quê hương Long An
Sinh ra và lớn lên ở Long An - một vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng, đồng chí Võ Văn Ngân sớm tiếp thu những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình, dân tộc để hình thành nên những phẩm chất, nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Ngay từ những năm 1925-1926, trên vùng đất Đức Hòa, Long An, đồng chí Võ Văn Ngân đã sớm tiếp nhận và truyền bá tư tưởng cách mạng, tích cực vận động nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp. Bằng uy tín, sự nỗ lực và tinh thần cách mạng, đồng chí đã tham gia xây dựng và phát triển các chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hựu Thạnh... Đó chính là những cơ sở quan trọng để phát triển phong trào cách mạng ở Đức Hòa và mở rộng ra toàn tỉnh Chợ Lớn và các tỉnh Nam Kỳ. Đồng chí đã cùng với người anh trai Võ Văn Tần trở thành những đảng viên cộng sản lớp đầu tiên của Đức Hòa, Long An, những người con ưu tú của quê hương và là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Long An.
Học tập và noi gương đồng chí Võ Văn Ngân, kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết, "trung dũng, kiên cường", sáng tạo, đột phá, khai thác có hiệu quả lợi thế địa-chính trị, địa-kinh tế của tỉnh nhà, Đảng bộ và nhân dân Long An đã và đang nỗ lực thi đua, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh vững chắc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phấn đấu đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng đáng với vị thế của vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng.
Tưởng nhớ đồng chí Võ Văn Ngân, chúng ta tự hào về một người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Long An; bày tỏ sự tri ân sâu sắc với những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Ngân đối với đất nước, quê hương. Chúng ta nguyện học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần chiến đấu hy sinh của đồng chí và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; quyết tâm thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết