Người dân tới giao dịch tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng.
Những ngày cuối năm 2021, đầu năm 2022, thanh khoản trên thị trường ngân hàng có dấu hiệu “nóng”, Ngân hàng Nhà nước có thời điểm “bơm” ròng 10.540 tỷ đồng trên thị trường mở. Tín dụng cũng được đẩy mạnh với ước tính có khoảng 202.000 tỷ đồng chảy vào nền kinh tế. Đối với thị trường liên ngân hàng, lãi suất biến động trái chiều khi tăng mạnh ở kỳ hạn ngắn và giảm ở kỳ hạn trên 2 tuần. Những diễn biến này khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, doanh nghiệp cũng kỳ vọng giảm lãi suất.
Do nhu cầu vốn tăng cao thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để có thêm nguồn vốn. Tại biểu lãi suất mới nhất ngay trong tháng 1-2022, lãi suất nhiều kỳ hạn tăng nhẹ 0,1-0,3%/năm so với tháng 12-2021.
Theo đó, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 6,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,2%/năm so với trước đó. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,5%/năm lên 5,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng từ 4,3%/năm lên 4,6%/năm. Các ngân hàng cũng tăng lãi suất đối với hình thức gửi tiết kiệm online.
Mặc dù lãi suất có chiều hướng tăng nhưng không đáng ngại. Theo các chuyên gia, đây là điều dễ hiểu khi thanh khoản hệ thống có phần căng thẳng hơn so với giai đoạn trước do yếu tố mùa vụ. Đây cũng là giai đoạn nhiều doanh nghiệp cũng cần vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh. Nhiều khả năng các ngân hàng thương mại sẽ tăng nhẹ lãi suất huy động thêm 0,25-0,5 điểm % nhằm hút nguồn vốn.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng: Động thái này hoàn toàn phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường, không có gì là đột biến và đáng quan ngại cả. Dự báo có thể lãi suất tiền gửi còn có thể tăng nhẹ một chút để giúp các tổ chức tín dụng tiếp tục thu hút dòng tiền gửi trong bối cảnh đang có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Dự báo xét trong ngắn hạn lãi suất cho vay cũng có thể có áp lực tăng nhưng về lâu dài vẫn trong xu hướng ổn định. Nếu nỗ lực, lãi suất cho vay vẫn có thể giảm thêm, đặc biệt là đối với những lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, dự báo, lãi suất sẽ giữ ở mức phù hợp để hỗ trợ phục hồi kinh tế, chống chịu trước những rủi ro tiềm ẩn từ dịch Covid-19, nhưng dư địa giảm thêm sẽ không nhiều. Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất năm 2022 sẽ khó giảm thêm so với cuối năm 2021, lãi suất thậm chí có thể tăng nhẹ trở lại (quanh mức 0,25-0,5%/năm) vào nửa cuối của năm 2022.
Đại diện Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) lại cho rằng, năm 2022 lãi suất huy động có thể đi ngang, mức tăng nhẹ nếu có chỉ ở cục bộ. VCBS nhận định, quá trình trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ diễn ra với tốc độ chậm rãi, thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất có thể xuất hiện vào cuối năm 2022.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, không còn dư địa giảm mạnh lãi suất huy động, lãi suất huy động có thể tăng. Trong năm qua, mặt bằng lãi suất huy động giảm trong 9 tháng đầu năm có xu hướng tạo đáy và duy trì ở mức thấp cho đến hết năm 2021 trong bối cảnh ngân hàng dồi dào thanh khoản.
Năm 2022, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra là 14%, tương đương với mức mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, cho thấy kỳ vọng về sự phục hồi tín dụng cũng như tín hiệu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sẽ tiếp tục khuyến nghị các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí từ nhiều nguồn khác nhau để tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng là “phấn đấu” chứ không phải bắt buộc.
Gửi phản hồi
In bài viết