Du khách trải nghiệm bơi mảng nghe hát Then trên hồ Nà Nưa (Tân Trào)
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: hiện tại, ngành đã số hoá toàn bộ dữ liệu, nâng cấp chức năng Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang, tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch, ứng dụng công nghệ số kết hợp công nghệ thực tại ảo VR360 với 18 điểm du lịch nổi bật của tỉnh.
Hệ sinh thái du lịch thông minh với nhiều tính năng hỗ trợ người dùng như: thông tin về các khu, điểm du lịch; nhà hàng; cơ sở lưu trú; hiển thị vị trí của các cây ATM, cây xăng, bệnh viện, thông tin các sự kiện văn hóa nổi bật tại điểm đến, thông tin hỗ trợ giao thông, thời tiết; các điểm vui chơi, giải trí; dịch vụ taxi, tầu thuyền, điểm mua sắm... 6 tháng đầu năm 2023, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đón 1.823.500 lượt khách du lịch, đạt 73% kế hoạch năm, tăng 44% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.085 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch năm, tăng 68% so với cùng kỳ. Trong đó, du lịch khám phá, trải nghiệm đang chiếm ưu thế.
Chị Lê Thị Thu Hòa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Ban Quản lý các Khu Du lịch tỉnh cho biết: đến với Tuyên Quang, những người trẻ thường rất thích trải nghiệm các hoạt động như: bơi mảng nghe hát Then trên hồ Nà Nưa; tung còn; trải nghiệm nướng cơm lam; làm xôi ngũ sắc; nhảy sạp; đua thuyền Kayak; check-in du lịch sinh thái đồi chè, trải nghiệm tắm khoáng, tắm bùn khoáng; tìm hiểu văn hóa người Tày, người Cao Lan bản địa… Gần đây, với sự nở rộ của các mô hình cắm trại, giới trẻ lại có thêm các địa điểm picnic ngoài trời, họp nhóm, tổ chức gala dinner tại một số điểm lưu trú như Ngòi Xanh, Cuống house; vui chơi thư giãn tại Panorama Glamping; Cactus camping; Memory camping…
Nắm bắt được thị hiếu của người trẻ với đam mê xê dịch, xả stress, các doanh nghiệp lữ hành đã sớm có chiến lược xây dựng tour tuyến, phát triển hiệu quả thế mạnh du lịch trải nghiệm cộng đồng để thu hút khách du lịch trẻ. Anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Fivestar Travel, quản lý vận hành homestay Nặm Đíp & Bản Bon (Lâm Bình) cho biết: công ty luôn chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho du khách, như: trải nghiệm khám phá (trekking) hệ sinh thái rừng, suối thác ngay sau homestay.
Du khách trải nghiệm làm bánh dày của đồng bào Tày tại homestay Nặm Đíp & Bản Bon (Lâm Bình).
Giúp du khách khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa qua việc đến thăm các hộ gia đình có nghề truyền thống như dệt vải, đan lát, cùng trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, tham gia làm bánh dày, bánh trứng kiến, bắt cá suối. Đồng thời tổ chức cho du khách trải nghiệm đạp xe thăm bản làng, lên đỉnh núi Khau Lắc săn mây, những trải nghiệm này luôn thu hút được đông đảo du khách trẻ tham gia.
“Thời điểm vừa rồi, tâm trạng không được tốt, mình đã xách balo lên và đi. Qua cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang, mình đã có trong tay khá đầy đủ thông tin về hoạt động của các homestay. Mình chọn nghỉ tại homestay Nặm Đíp & Bản Bon (Lâm Bình), homestay sở hữu một không gian thoáng đãng, xanh mát, yên tĩnh, có mây núi, suối thác cùng những bữa ăn tươi ngon, dân dã. Hàng ngày mình đạp xe, ngắm mây, tắm suối thư giãn. Đêm xuống đốt lửa trại, vui nhảy sạp cùng các em nhỏ. Trở về với công việc thường nhật, mình như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, làm việc vui vẻ, hiệu quả hơn" - Chị Trần Thu Hằng (Hà Nội) trải lòng.
Nhóm bạn Nguyễn Nga (Hải Phòng) thì lại tranh thủ những ngày chuẩn bị Lễ hội Thành Tuyên đặt tour trải nghiệm làm đèn lồng trung thu khổng lồ ở thành phố Tuyên Quang. Chị Nga chia sẻ, đây vừa là cách giúp mình học được sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, vừa giải toả căng thẳng sau những ngày làm việc mệt mỏi.
Có thể thấy, mặc dù mức chi cho những chuyến du lịch trải nghiệm của du khách trẻ tuổi thường không quá cao, nhưng đây lại là đối tượng có nhu cầu du lịch lớn, có nhiều chuyến đi trong năm. Thói quen check-in và chia sẻ thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội cũng dễ tạo ra xu hướng thu hút những người khác cùng hưởng ứng. Để kích cầu rộng rãi và thu hút nhiều hơn lượng khách du lịch này, các địa phương, doanh nghiệp cần nhanh nhạy và đầu tư hơn nữa cho việc chuyển đổi số, tích cực quảng bá trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, gia tăng trải nghiệm số trong hành trình du lịch của du khách trẻ. Cùng với đó, cần nỗ lực tuyên truyền, xây dựng ý thức của giới trẻ về du lịch xanh, du lịch văn minh, du lịch có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội để bảo đảm phát triển du lịch bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết