Du lịch cộng đồng - Sợi chỉ mềm kết nối bản sắc Tuyên Quang sau hợp nhất
Sau hợp nhất, Tuyên Quang không chỉ mở rộng không gian địa lý mà còn mở ra cơ hội cộng hưởng giá trị văn hóa - du lịch giữa vùng trung du trầm lắng và miền Cao nguyên đá giàu bản sắc. Trong dòng chảy ấy, du lịch cộng đồng nổi lên như một sợi chỉ mềm, âm thầm nhưng bền bỉ, kết nối những nếp nhà, câu hát, phong tục và sinh kế thành tấm thổ cẩm văn hóa mang tên “Tuyên Quang”.
![]() |
Món ngon dân tộc – thu hút khách du lịch cộng đồng. |
Từng là điểm sáng về du lịch cộng đồng, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã định hình những mô hình bản địa đặc sắc: Homestay truyền thống, không gian văn hóa nguyên sơ, cách làm du lịch từ chính nếp sống và lòng hiếu khách. Trong khi đó, Tuyên Quang cuốn hút bằng vẻ êm dịu: Sương mai trên hồ Na Hang, điệu Then bên bếp lửa Lâm Bình, nếp nhà sàn truyền thống của người Cao Lan ở Yên Sơn… Nơi đây, du khách được sống cùng người bản địa - ăn món dân dã, nghe đàn Tính, ngủ nhà sàn ngói âm dương, giản dị mà thấm đẫm hồn quê.
Điểm chung giữa hai vùng là tinh thần “làm du lịch không ồn ào” - nơi người dân là chủ thể, làm nên sản phẩm từ những điều gần gũi: nếp nhà, câu hát, hũ rượu men lá, bữa cơm ngô, mảnh thổ cẩm dệt tay. Ở thôn Pác Cáp (Phù Lưu), người dân tổ chức đi bộ rừng, kể chuyện cổ tích Tày, nấu món ăn truyền thống như cách đón khách của bà con dân tộc Lô Lô nơi địa đầu Tổ quốc. Chính sự tự giác, tự hào của người dân tạo nên linh hồn cho mô hình du lịch cộng đồng.
![]() |
Chè Shan tuyết cổ thụ - đặc sản nổi tiếng của Tuyên Quang. |
Trên hành trình phát triển, Tuyên Quang kế thừa và làm mới những kinh nghiệm quý từ vùng núi phía Bắc - những bản làng níu chân du khách bằng nhà sàn chênh vênh bên sườn núi, điệu khèn Mông, bát mèn mén và nếp sống mộc mạc đậm bản sắc. Trên hành trình định hình phong cách riêng, tỉnh đã có 3 tổ hợp tác homestay đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao, đồng thời kết nối trải nghiệm với đặc sản địa phương: Mật ong rừng, chè Shan Tuyết, rượu ngô Lâm Bình, bánh chim gâu người Cao Lan… Hạ tầng cũng dần hoàn thiện, từ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến ứng dụng “Tuyen Quang Tourism”, wifi miễn phí tại các điểm đến, góp phần nâng tầm hình ảnh du lịch cộng đồng.
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVIII nhiệm kỳ 2025-2030 xác định: “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng; tập trung khai thác hiệu quả các khu, điểm du lịch đặc thù gắn với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm; xây dựng thương hiệu Tuyên Quang là điểm đến an toàn, thân thiện, khác biệt”.
![]() |
Làng văn hóa Lũng Cẩm - điểm hẹn thu hút khách du lịch giữa lòng cao nguyên Đồng Văn. |
Từ 2021-2024, Tuyên Quang đã đón gần 10 triệu lượt khách, doanh thu hơn 10.600 tỷ đồng, tạo sinh kế cho khoảng 22.000 lao động, phần lớn là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Định hướng đến năm 2030, khu sinh thái Na Hang - Lâm Bình được kỳ vọng trở thành khu du lịch quốc gia; Tân Trào sẽ là trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - giáo dục truyền thống.
Từ cây đa Tân Trào - nơi khởi nguồn cách mạng đến Cột cờ Lũng Cú - nơi địa đầu Tổ quốc, dải đất hợp nhất này mang trong mình mạch nguồn thiêng liêng, vừa thấm đẫm lịch sử, vừa đậm đà bản sắc. Không ồn ào, không ồ ạt, du lịch cộng đồng đang lặng lẽ bén rễ vào từng nếp nhà sàn, từng làn điệu Then, từng điệu múa khèn của những chàng trai, cô gái Mông… rồi âm thầm lan tỏa. Chính sự dung dị ấy sẽ là sợi chỉ mềm kết nối quá khứ và hiện tại, con người và di sản - làm nên thương hiệu du lịch Tuyên Quang bền vững, khác biệt và khó quên trong lòng du khách./.
Bài, ảnh: Bình Minh
Ý kiến bạn đọc