Vẻ đẹp và sức sống mùa xuân luôn tạo cảm hứng cho các văn nghệ sĩ.
Tác giả Nguyễn Bình, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh được biết đến với những áng thơ đi vào lòng người bởi chất giọng nhẹ nhàng, tình cảm. Với ông, xuân đến mang nét đẹp dịu dàng với những lời thầm thì chất ngất yêu thương: “Mùa xuân nói lời thương nhớ/Hạt mưa bụi vương tóc mềm/Chồi non xanh bên khung cửa/Mộng mơ lúng liếng mắt em” (Lời mùa xuân).
Trong thời khắc đầy sức sống của đất trời, bên khung cửa xuất hiện hình ảnh của cô gái đang thả hồn với thiên nhiên. Những hạt mưa nhẹ nhàng vương trên mái tóc, những chồi non căng tràn sức xuân. Thiên nhiên như hòa cùng cảm xúc với con người. Ánh mắt cô gái mộng mơ, háo hức muốn nói lên lời tương tư ngọt ngào. Mùa xuân là mùa của ước hẹn, đôi lứa thường tìm đến nhau gửi trao men tình dịu ngọt.
Trong bài thơ “Đêm lá hát” nhà thơ Cao Xuân Thái vẽ nên khung cảnh mùa xuân thật đẹp và lãng mạn. Khi lửa tắt chỉ còn than hồng âm ỉ, trai gái xích lại gần nhau và thổn thức cùng tiếng kèn lá. Trong những âm thanh du dương, bay bổng, em tựa vào anh để rồi chất ngất trong niềm hạnh phúc: “Mỗi mùa xuân búp lộc lại trùng trùng/Hát mãi chiếc lá không còn héo rũ/Em tựa và anh ngắm ngôi sao mất ngủ/Đang lịm đi trong thăm thẳm lòng trời...” (Đêm lá hát - Cao Xuân Thái).
Xuân đến! mỗi nhà thơ dành cho xuân những lời giới thiệu riêng. Thi ca là cả một trời ngôn ngữ yêu thương, mong ước để thi nhân cảm tác, dâng hiến cho đời những thanh âm tuyệt diệu. Trước vẻ đẹp của thiên nhiên, Ngọc Hiệp (hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) khẽ hỏi người con gái và dường như đó là cái cớ để tác giả ngỏ lời yêu đương: “Em có nghe mùa xuân/... Em có nghe rừng cây/Mở lá mầm đón gió/Chim bay về làm tổ/Ríu rít đôi, từng đôi” (Thầm thì mùa xuân).
Còn Nguyễn Tuấn miêu tả mùa xuân thật tỉ mỉ, tinh tế: “Xuân đã tới như cây đầy nhựa ứa/Lành vết đau rạn nứt cuối đông tàn” (Xuân). Mùa xuân trong thơ Nguyễn Tuấn là liều thuốc diệu kỳ chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn, mang theo nguồn sinh khí mới, tràn đầy sức sống.
Xuân đến đồng nghĩa với mùa của những lễ hội. Hòa vào không gian tuyệt đẹp ấy, các cô gái xúng xính trong bộ váy mới, đôi má ửng hồng ngượng ngùng, bẽn lẽn: “Thêm một chút má hồng/Một đôi môi thắm đỏ/Xấu hổ gì đẹp quá/Xuân đang về bên ta” (Hội làng - Nguyễn Hữu Dực).
Dòng người nô nức chen chân bước vào đêm hội, lời ca, tiếng nhạc, điệu múa làm bừng thêm sức xuân. Không gian mùa xuân rộn ràng xua đi cái tĩnh mịch thường ngày của màn đêm núi rừng: “Trai làng trên chân xòe trái núi/Gái bản dưới ngực nở trái đồi/Tìm nhau qua ánh mắt/Mời nhau uống câu hát người Tày” (Đêm hội - Tạ Bá Hương).
Thi sĩ thật đa tình và dường như mùa xuân cũng làm cho những nỗi lòng ấy thêm nhiều xúc cảm. Ngắm nhìn một dáng hình bước đi trong làn mưa xuân, Ngọc Hiệp chợt thổn thức và ước ao: “Tôi muốn hồn tôi thành mưa bụi/ Vương trên gò má đỏ hây hây/Mưa xuân của trời dành cho đất/Như tình em đến để tôi say?” (Mưa xuân).
“Nàng xuân” mênh mông trong vô vàn cung bậc xúc cảm của thi nhân. Mỗi tác giả nhìn nhận, cảm tác về xuân, gửi gắm tâm hồn vào xuân với một nét riêng, hết sức phong phú: “Đông giấu heo may vào núi/Xuân bừng lộc biếc chồi non/... Mưa xuân giăng vào nỗi nhớ/Dáng hoa như nét ai cười” (Nét xuân - Phạm Ngọc Khuê).
Mùa xuân luôn đồng điệu với thi ca và hương sắc mùa xuân là xúc cảm để các thi sĩ mặc sức say sưa, trải lòng. Thiên nhiên trong mùa xuân giống như tấm gương soi chiếu tâm hồn, để từ đó làm lên một cuộc du xuân trong thơ vốn nhiều sắc màu, thanh âm, ý vị.
Gửi phản hồi
In bài viết