Qua đây, công chúng có thể được thưởng thức, tìm hiểu những giá trị của hát xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh.
Các nghệ nhân phường xoan Thét trình diễn nghệ thuật hát xoan. Ảnh: Thụy Du
Là thành viên nhóm Xẩm Hà thành với nhiều dự án, hoạt động bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống nhiều năm qua, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long ấp ủ thực hiện dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát xoan” trên không gian mạng từ năm 2022, nhằm tạo đời sống "số" cho nghệ thuật hát xoan, để nhiều người có thể tiếp cận các bài xoan chuẩn mực, thưởng thức hoặc khai thác làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long tâm sự, trong hành trình nghệ thuật của mình, anh là người có duyên với hát xoan, nhiều lần thực hiện các dự án giới thiệu hát xoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Phú Thọ và Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, tại 4 phường xoan gốc của Phú Thọ. Với dự án lần này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long quyết định chỉ chọn phường xoan Thét (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) để triển khai.
“Bên cạnh là một trong 4 phường xoan gốc có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nguồn gốc hình thành và quá trình nuôi dưỡng, phát huy nghệ thuật hát xoan của dân tộc, phường xoan Thét còn có nhiều nghệ nhân uy tín, xuất sắc, được sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nhiều đời gắn với hát xoan. Tại phường xoan Thét, tính kế thừa và tiếp nối còn hiện hữu khi có nhiều thế hệ nghệ nhân đang sinh hoạt tích cực, như các Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Kiều Nga (61 tuổi), Nguyễn Thị Ngà (59 tuổi), Lê Thị Nhàn (67 tuổi); nghệ nhân Nguyễn Văn Thuyết (60 tuổi), nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn (39 tuổi), kép xoan Nguyễn Minh Trí (19 tuổi)... Chúng tôi cũng muốn thực hiện trọn vẹn 13 quả cách trong chặng quả cách do một phường thể hiện để tạo sự thống nhất”, nhà nghiên cứu âm nhạc tâm huyết chia sẻ.
Bởi muốn giới thiệu, lan tỏa di sản âm nhạc hát xoan trên không gian mạng, nên dự án tập trung vào giá trị chân thực về âm nhạc và hình ảnh. Phần âm nhạc gồm 16 bài hát xoan, trong đó có 3 bài thuộc chặng hát thờ và 13 bài thuộc chặng quả cách. Các bài được thu âm mộc mạc, dân dã tại chính không gian sống của hát xoan. Ngoài ra, còn có thêm video clip “Về đất Tổ nghe xoan” ghi lại cuộc trò chuyện giữa MC Hoàng Chung với các nghệ nhân phường xoan Thét cùng sự tham gia của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, nhằm dẫn dắt công chúng tiếp cận và hiểu hơn về hát xoan. Phần hình ảnh được ghi tại 4 di tích lịch sử có liên quan trực tiếp tới hát xoan là miếu Lãi Lèn (phường xoan Phù Đức), đình Thét (phường xoan Thét), đình Kim Đới (phường xoan Kim Đới), đình An Thái (phường xoan An Thái) của tỉnh Phú Thọ.
Đồng hành với nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long trong dự án xã hội hóa 100% này là nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường (tổ chức sản xuất và thu âm); biên tập viên, MC Hoàng Chung (biên tập kiêm ghi hình, hậu kỳ); nhạc sĩ Tùng Lâm - Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Thọ…
Theo chân nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long và ê kíp trong một chuyến điền dã tại phường xoan Thét để thực hiện dự án mới thấy sự say mê, nhiệt huyết của những nghệ nhân hát xoan và những người đang nỗ lực bảo tồn, phát triển và lan tỏa vốn di sản độc đáo của dân tộc. Từ trùm phường Bùi Thị Kiều Nga đến các thành viên như Lê Thị Nhàn, Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Văn Thuyết, Nguyễn Văn Tuấn… dù bận nhiều công việc như làm ruộng, bán hàng, lái xe taxi, kinh doanh… nhưng khi được báo có ê kíp thực hiện dự án đến, là họ sẵn sàng thu xếp công việc hoặc xin nghỉ để cùng về đình làng, sửa soạn với những bộ trang phục truyền thống say sưa với công việc ý nghĩa này.
“Dự án này rất ý nghĩa với hát xoan, là cơ hội để đưa di sản độc đáo của quê hương Phú Thọ lan tỏa đến khán giả ở các tỉnh, thành phố khác và giới thiệu với cả người nước ngoài. Điều này cũng góp phần cùng chúng tôi gìn giữ, phát huy di sản hát xoan, truyền tình yêu tới các bạn trẻ và tiếp tục truyền nối cho thế hệ sau”, trùm phường xoan Thét Bùi Thị Kiều Nga tâm sự.
Gửi phản hồi
In bài viết