Cô giáo Nguyễn Thị Lụa, trường Tiểu học Tri Phú, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) hướng dẫn các em học sinh học môn Tiếng Anh.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, năm 2013, cô Lụa rời thành phố Tuyên Quang lên huyện Chiêm Hóa làm giáo viên dạy hợp đồng. Thời gian đó, mỗi năm cô được phân công dạy ở một trường khác nhau. Vượt qua những khó khăn về sự thay đổi môi trường dạy, khoảng cách địa lý, con nhỏ, hàng ngày cô vẫn miệt mài đến lớp. Năm 2020, cô được xét đặc cách vào ngành và được phân công về dạy tại trường Tiểu học Tri Phú. Khi được hỏi về những khó khăn khi dạy môn Tiếng Anh cho các em là đồng bào dân tộc thiểu số, cô Lụa chia sẻ, các em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp xúc với ngoại ngữ như các em ở đô thị. Phụ huynh cũng không hỗ trợ được con khi học ở nhà, tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên bộ môn.
Để khắc phục những khó khăn đó, cô Lụa đã tích cực tham gia các chương trình tập huấn giảng dạy của ngành. Cô tham gia các hội nhóm, học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp chuyên về giảng dạy Tiếng Anh tiểu học để bản thân học tập thêm các phương pháp mới. Trong các bài giảng, cô đã sử dụng nhiều phương pháp trực quan để tiết học thêm sinh động. Đặc biệt, cô đã thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh, lồng ghép các hoạt động của câu lạc bộ với các hoạt động chung của nhà trường. Theo cô Lụa, đây sẽ là môi trường rèn luyện Tiếng Anh tốt nhất cho các em.
Bằng sự say mê, tâm huyết với nghề và tình yêu thương, cô Lụa là cầu nối đưa môn Tiếng Anh đến gần hơn với các em học sinh vùng sâu, vùng xa.
Gửi phản hồi
In bài viết