Nhờ hiệu quả ứng dụng công nghệ, game hóa di sản đang trở thành hướng đi tiềm năng trong phát triển du lịch, bước đầu mang lại hiệu quả trong việc thu hút du khách.
Du khách khám phá Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh giải các câu đố.
Nâng trải nghiệm, tăng sức hấp dẫn
Game hóa di sản được hiểu là quá trình tích hợp các yếu tố của di sản văn hóa thành trò chơi, từ đó mang lại trải nghiệm và những giải trí độc đáo cho du khách. Hoạt động này trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới gắn với đa dạng mô hình trò chơi (game) tại các di sản, điểm đến.
Tại Việt Nam, game hóa di sản xuất hiện từ hơn 10 năm trước với gameshow truyền hình "Hà Nội 36 phố phường" - chương trình mở đầu cho xu hướng tích hợp nội dung tìm hiểu về di sản trong các trò chơi vừa mang ý nghĩa giáo dục vừa có tính giải trí. Hiện nhiều tour du lịch khám phá di sản đã đưa trò chơi vào nội dung chương trình để nâng trải nghiệm, tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Điển hình như tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” khuyến khích du khách tham gia trả lời các câu đố sau khi kết thúc hành trình trải nghiệm khám phá Hoàng thành Thăng Long. Hay tour đêm tại Bảo tàng Văn học Việt Nam dành thời gian để du khách trả lời các câu hỏi sau khi chương trình khép lại. Mới đây, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) triển khai chương trình khám phá di sản thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, du khách khám phá làng cổ thông qua ứng dụng Outing. Ứng dụng này cho phép vẽ các cung đường đi. Khi có mặt tại điểm đến như hướng dẫn, du khách sẽ được ứng dụng giới thiệu thông tin về di sản. Từ ứng dụng này, du khách sẽ nhận được nhiệm vụ, thử thách - bao gồm các câu đố, cần phải hoàn thành…
Đánh giá về hiệu quả từ hoạt động game hóa di sản, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Du lịch xanh Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, hoạt động này không chỉ góp phần tăng sức hấp dẫn cho di sản, mà còn mang đến sự mới mẻ cho công tác quảng bá, thu hút du khách. Hiện nay, nhiều khu di tích đã ứng dụng công nghệ để bổ trợ cho hoạt động game hóa di sản một cách hiệu quả, từng bước tăng trải nghiệm thú vị cho du khách.
Hướng đi giàu tiềm năng
Không chỉ mang đến những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo cho du khách, game hóa di sản còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa Việt Nam.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Outing app (đơn vị phối hợp với nhiều di tích thực hiện chương trình game hóa di sản) Nguyễn Bá Tùng, việc thiết kế hoạt động khám phá di sản bằng các trò chơi vận động, giải mã câu đố giúp du khách tiếp nhận thông tin thuận lợi, hiểu sâu sắc hơn về điểm đến, từ đó kích thích trí tưởng tượng và ham muốn tìm hiểu di sản, ý thức rõ hơn về trách nhiệm tham gia bảo tồn di sản.
Sự phát triển mạnh mẽ của game hóa di sản cho thấy tiềm năng, sức sống của phương thức này, nhưng cũng khiến đơn vị tổ chức đối diện với nhiều thách thức. Việc tái hiện di sản trong môi trường ảo, bồi dưỡng kiến thức thông qua trò chơi đòi hỏi phải bảo đảm tính chính xác, đồng thời những nhà sáng tạo, thiết kế trò chơi phải hiểu sâu sắc về điểm đến, tôn trọng giá trị văn hóa, lịch sử liên quan. Ngoài ra, yêu cầu về nguồn lực tài chính và công nghệ cần có để phát triển những trò chơi chất lượng cao cũng là rào cản với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Tùng cho rằng, để hoạt động game hóa di sản giúp ích thiết thực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thu hút du khách, cần phải có sự hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức văn hóa và các nhà phát triển trò chơi.
Còn theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa điểm đến với các đơn vị lữ hành trong việc tuyên truyền về sản phẩm, hướng dẫn du khách trải nghiệm các trò chơi một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra, đơn vị sáng tạo cần thường xuyên thay đổi hình thức trò chơi, tạo ra sự khác biệt ở mỗi điểm đến để du khách luôn có cảm giác hấp dẫn, mới mẻ, không nhàm chán.
Thực tế cho thấy, game hóa di sản không chỉ là một hướng đi mới đầy tiềm năng trong phát triển du lịch mà còn là cơ hội quý để quảng bá văn hóa, lịch sử của đất nước một cách sáng tạo, hấp dẫn. Nếu được khai thác và ứng dụng đúng cách, game hóa di sản sẽ góp phần tạo sự đột phá trong thu hút du khách tại các điểm đến, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết